giảm bớt nỗi lo hãi do cảm thức tự ti hoặc bất lực phát sinh. Điều đó giúp
cho họ sống bằng những giải pháp thỏa hiệp. Tuy vậy, những bù trừ sẽ
không bao giờ loại bỏ các cảm thức tự ti; chúng chỉ đơn giản phủ lên đó một
bức màn mang đầy ảo tưởng…
Cũng vì thế mà trong đời thường, có rất nhiều người đã làm được
nhiều việc lớn lao nhờ vào cảm thức tự ti. Có người nào dám nghĩ là họ đã
“vượt qua” được cảm thức đó không? Không bao giờ! Chính cảm thức tự ti
đã thúc họ phải tìm kiếm sự ưu thế (cuộc tìm kiếm đôi khi là vô thức). Nếu
chúng ta cảm thấy đau khổ vì sự yếu hèn, cảm thấy nhục nhã, bị ức chế,
chúng ta âm thầm muốn mình là những con người cứng rắn.
Tất cả những người độc tài, thống trị, chuyên quyền, hung hãn, đều
nằm trong trường hợp này. Cái nhu cầu thống trị và cảm thức tự tôn luôn là
triệu chứng rối loạn thần kinh.
Để được hiểu rõ hơn
Với vài trường hợp mà tôi sẽ nêu ra đây, sẽ có rất nhiều người đặt ra
câu hỏi “Nhưng tôi… tôi có phải là người rối loạn thần kinh hay không?… “
Tôi lấy một thí dụ: Một nhà văn nổi tiếng có nói với tôi “Tôi dửng
dưng trước sự chiêm ngưỡng mà người ta dành cho tôi…”.
Tôi nghĩ có ba trường hợp có thể cắt nghĩa thái độ này:
1
Sự dửng dưng là thực thụ (ngoài mặt cũng như trong thâm tâm), nếu
nhà văn đó là một người có đời sống tâm lý quân bình, sáng suốt và thông
minh. Ông ta đúng là một con người hoàn hảo. Ông ta không cần đến sự
chiêm ngưỡng của những người khác để tin vào chính mình. Lời nhận xét
đó là tự nhiên và tương ứng với sự thật.
2
Tôi thí dụ nhà văn đó có cảm thức tự ti. Bất chấp tài năng của mình,
ông ta sợ mình sẽ là điểm ngắm, sợ bị đưa ra phía trước. Ông ta sợ mình
không thể tượng trưng cho cái mà những người khác mong chờ nơi ông ta.