Như vậy người ta thường xuyên chấp nhận vẻ bên ngoài như là một
sự thật.
Người ta lầm tưởng người bồn chồn là:
– Rất mạnh: trái lại, anh ta đã suy yếu (bị kích thích quá độ vì suy
nhược thần kinh).
– Rất nghị lực trong khi anh ta thiếu sinh khí.
– Không biết mệt mỏi, trái lại anh ta tỏ ra không biết mệt chỉ vì anh
ta không còn khả năng để ngừng nghỉ nữa (kích thích).
Vậy người ta sẽ kết luận như thế nào với các suy diễn sai lầm kia
Người ta ngưỡng mộ và khen thưởng anh ta. Bởi vì người ta tưởng mình rất
năng động và rất cương quyết. Người ta cũng sẽ nói anh ta lúc nào cũng cố
gắng hết sức mình. Nhưng anh ta không thể nào làm khác hơn được! Tôi xin
nhắc lại là sự cố gắng xuất hiện một khi sự tự chủ biến mất.
Một nhạc sĩ dương cầm, rất điêu luyện trên mặt đàn, biểu diễn không
một chút gắng sức một bản nhạc của Chopin. Anh ta là bậc thầy trong vấn
đề này và rất thoải mái. Nếu sự mệt mỏi xuất hiện, sự tự tin và thoải mái
biến mất, nhường chỗ cho sự cố gắng và tập trung. Đến lúc này người nhạc
sĩ không còn là thầy của bản nhạc nữa mà trái lại bản nhạc trở thành thầy
của anh ta. Người nhạc sĩ không còn “biểu diễn” nữa, trái lại anh ta đang cố
gắng “chế ngự”; có nghĩa là anh ta đang cố chế ngự chính mình bởi vì anh
ta cảm thấy sự thoải mái cần thiết đã xa rời đâu mất rồi…
ĐÔI KHI NGƯỜI BỒN CHỒN KHINH BỈ NGƯỜI SUY
NHƯỢC
Nếu không muốn nói là buồn, tôi nhận thấy việc này rất khôi hài, bởi
vì người bồn chồn và người suy nhược không khác gì nhau về mặt thần kinh
học. Nếu so sánh hai việc đó với một đồng tiền, tôi có thể nói sự suy nhược
là “mặt hình” còn sự bồn chồn là “mặt chữ”. Sự suy nhược và sự bồn chồn
được đặt trên cùng một nền tảng; chỉ có các hành vi bên ngoài mới khác mà
thôi.