Tôi liền tranh luận, cãi nhau với họ. Nhưng bỗng chốc tôi cảm thấy, gần
như với một nỗi khiếp sợ, rằng tôi không có ý muốn, không đủ lời để bảo
vệ anh em sinh viên.
Tôi còn nhớ, tôi bước ra khỏi căn hầm như một người bị đánh đến tàn
tật, với một nỗi buồn không sao dập tắt nổi, một nỗi buồn đủ sức giết chết
con người ta.
Đêm hôm ấy tôi ngồi trên bờ sông Kaban. Vừa nhặt đá ném xuống dòng
nước đen ngòm, tôi vừa suy nghĩ và nhắc đi nhắc lại mãi mấy tiếng:
“Ta làm gì đây?”
Vì buồn, tôi bắt đầu học kéo vĩ cầm. Đêm đêm tôi kéo đàn trong cửa
hàng, làm cho người gác đêm và đàn chuột bị quấy rầy. Tôi thích âm nhạc
và bắt đầuhọc nhạc rất say mê. Nhưng một hôm, trong lúc tôi ra ngoài, thầy
giáo ‒ một tay kéo vĩ cầm trong dàn nhạc nhà hát ‒ đã mở két tiền mà tôi
không khóa. Khi trở vào, tôi thấy hai túi anh ta nhét đầy những tiền. Nhìn
thấy tôi ở cửa, anh ta vươn cổ, giương bộ mặt chán ngắt, nhẵn nhụi về phía
tôi và nói khẽ:
– Này, đánh đi!
Cặp môi anh ta run run; từ hai con mắt trắng đã lăn ra những giọt nước
mắt nhờn như dầu và to một cách kì lạ.
Tôi muốn nện cho anh chàng kéo vĩ cầm ấy một trận. Để khỏi làm điều
đó, tôi ngồi thụp xuống sàn nhà, giấu hai nắm đấm xuống dưới đùi và ra
lệnh cho anh ta trả tiền vào két. Anh ta lôi hết tiền ở túi ra và đi ra cửa.
Nhưng rồi anh ta dừng lại và nói bằng một giọng cao vút nghe khủng khiếp
và rất ngu xuẩn:
– Cho tôi xin mười rúp!
Tôi cho anh ta tiền, nhưng bỏ không học vĩ cầm nữa.
Đến tháng Chạp thì tôi quyết định tự tử. Tôi đã thử mô tả lí do của quyết
định này trong truyện ngắn Một chuyện xảy ra trong cuộc đời Makar.
Nhưng tôi đã không thành công: Câu chuyện vụng về, kém hấp dẫn và
thiếu sự chân thực nội tại. Theo tôi, chính việc hoàn toàn thiếu chân thực ấy