Ethiopia đôi khi được gọi là “tháp nước của châu Phi” do độ cao của nó
và có hơn hai mươi con đập được tiếp nước bởi lượng mưa trên vùng cao
nguyên. Năm 2011, Addis Ababa đã công bố một dự án liên doanh với
Trung Quốc để xây dựng một dự án thủy điện khổng lồ trên sông Nile Xanh
gần biên giới Sudan, gọi là đập Grand Renaissance (Đại Phục hưng). Năm
2017, con đập đã gần như hoàn thành, nhưng phải mất vài năm để làm đầy
hố trữ nước. Đập sẽ được sử dụng cho thủy điện, và dòng chảy đến Ai Cập
vẫn tiếp tục; nhưng về mặt lý thuyết, hồ chứa cũng có thể giữ lại lượng nước
của một năm, và việc hoàn thành dự án sẽ mang lại cho Ethiopia tiềm năng
giữ nước để sử dụng riêng, do đó làm giảm trầm trọng lượng nước chảy vào
Ai Cập.
Như tình trạng hiện tại, Ai Cập có quân đội mạnh hơn, nhưng điều đó
đang từ từ thay đổi, và Ethiopia, đất nước có 96 triệu dân, là một thế lực
ngày càng gia tăng. Cairo hiểu điều đó, và cũng biết rằng một khi con đập
được xây dựng, việc phá hủy nó sẽ gây thảm họa ngập lụt ở cả Ethiopia và
Sudan. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Ai Cập không có một casus belli (cái
cớ gây chiến) để tấn công trước khi con đập hoàn thành. Bất chấp thực tế là
một bộ trưởng trong nội các gần đây trong một bài phát biểu đã lỡ lời đưa ra
đề nghị ném bom, vài năm sắp tới có nhiều khả năng chúng ta sẽ chứng kiến
những cuộc đàm phán cam go, vì Ai Cập muốn được đảm bảo chắc chắn
rằng dòng nước sẽ không bao giờ bị chặn lại. Chiến tranh về nguồn nước
được coi là một trong những cuộc xung đột sẽ diễn ra trong thế kỷ này và
đây chính là cuộc xung đột cần được canh chừng.
Một thứ chất lỏng khác cũng gây tranh chấp kịch liệt là dầu mỏ.
Nigeria là nước sản xuất dầu lớn nhất khu vực châu Phi Hạ Sahara, và
tất cả các loại dầu chất lượng cao đều nằm ở phía nam. Dân miền Bắc
Nigeria phàn nàn rằng lợi nhuận từ dầu không được chia sẻ công bằng giữa
các miền của đất nước. Đến lượt điều này lại làm trầm trọng thêm sự căng