liên hệ nào với vùng Bờ Tây, mặc dù khoảng cách giữa hai bên chỉ là hai
lăm dặm tại điểm hẹp nhất. Cho đến khi một thỏa thuận hòa bình đạt được
thì người dân Gaza chẳng biết đi đâu, và thật ít công việc để họ làm bên
trong dải đất này.
Bờ Tây lớn gần gấp bảy lần diện tích Gaza nhưng là mảnh đất bị phong
tỏa cả bốn mặt. Phần lớn Bờ Tây là một dãy núi chạy từ bắc xuống nam. Từ
quan điểm quân sự, điều này cho phép bất cứ ai nắm giữ được vùng đất cao
đó đều có thể kiểm soát đồng bằng duyên hải ở phía tây sườn núi, và cả
thung lũng Rift Jordan ở phía đông của nó. Gạt sang một bên ý thức hệ của
những di dân Do Thái, những người tuyên bố theo Kinh Thánh rằng họ có
quyền được sinh sống trong khu vực mà họ gọi là Judea và Samaria, từ quan
điểm quân sự, đối với Israel, một lực lượng phi-Israel không thể được phép
kiểm soát những cao điểm này, vì từ đó vũ khí hạng nặng có thể bắn xuống
đồng bằng duyên hải nơi 70% dân số Israel sinh sống. Đồng bằng này cũng
bao gồm các hệ thống đường bộ quan trọng nhất của Israel, nhiều công ty
công nghệ cao thành đạt, sân bay quốc tế và hầu hết các ngành công nghiệp
nặng.
Đây là một lý do dẫn tới nhu cầu “an ninh” của phía Israel và việc nó
một mực cho rằng, ngay cả khi có một nhà nước Palestine độc lập, nhà nước
đó cũng không thể có quân đội với vũ khí hạng nặng đặt trên đỉnh núi, và
Israel cũng phải duy trì quyền kiểm soát đường biên giới với Jordan. Do
Israel quá nhỏ, nó không có “chiều sâu chiến lược” thực sự, không có nơi
nào để rút lui nếu tuyến phòng thủ của nó bị chọc thủng, và vì vậy về mặt
quân sự, Israel tập trung vào việc cố đảm bảo không ai có thể đến gần. Hơn
nữa, khoảng cách từ biên giới Bờ Tây đến Tel Aviv chỉ có mười dặm ở đoạn
hẹp nhất; từ sườn núi Bờ Tây, bất kỳ đội quân tương đối lớn nào cũng có thể
cắt Israel ra làm đôi. Tương tự, trong trường hợp của Bờ Tây, Israel không
để cho bất kỳ nhóm quân sự nào trở nên hùng mạnh có thể đe dọa đến sự tồn
tại của nó.