Các máy bay không người lái chủ yếu bay từ căn cứ tại Hoa Kỳ và
Afghanistan, nhưng một số lại được cho là xuất kích từ một căn cứ bí mật
bên trong lãnh thổ Pakistan. Bất kể chúng đến từ đâu thì số lượng cũng rất
nhiều. Các cuộc không kích bằng máy bay không người lái tại Afghanistan
và Pakistan đã gia tăng ồ ạt trong nhiệm kỳ của Obama so với số phi vụ
trong nhiệm kỳ của George Bush.
Đến mùa xuân năm 2015, mọi thứ càng trở nên khó khăn hơn. NATO
đã rời Afghanistan và Hoa Kỳ đã tuyên bố chấm dứt sứ mệnh chiến đấu, chỉ
để lại một lực lượng đồn trú nhỏ. Một cách chính thức, điều này nhằm để
tiến hành các hoạt động của Lực lượng Đặc nhiệm và các nhiệm vụ huấn
luyện; một cách không chính thức, nó là một nỗ lực nhằm đảm bảo cho
Kabul không rơi vào tay Taliban. Nếu không có NATO quấy nhiễu Taliban
trên đường biên giới từ phía Afghanistan, cuộc chiến đấu của Pakistan với
Taliban bên này đường biên giới sẽ gian nan hơn nhiều. Washington tiếp tục
gây sức ép lên Islamabad, và điều này dẫn đến một số kịch bản có thể xảy
ra:
- Toàn bộ lực lượng của quân đội Pakistan được điều động vào vùng biên
giới tây bắc và đánh bại Taliban.
- Chiến dịch Taliban tiếp tục đẩy nhanh quá trình rạn nứt của Pakistan cho
đến khi nước này trở thành một nhà nước thất bại.
- Hoa Kỳ hết quan tâm, áp lực lên Islamabad giảm sút và chính phủ thỏa
hiệp với Taliban. Tình hình trở lại bình thường, với việc biên giới tây bắc
được yên ổn, nhưng Pakistan tiếp tục thúc đẩy kế hoạch chính trị riêng của
mình ở Afghanistan.
Trong các kịch bản này, ít có khả năng nhất là kịch bản đầu tiên. Không
có lực lượng bên ngoài nào từng đánh bại được các bộ lạc của biên giới tây
bắc, và quân đội Pakistan bao gồm cả người Punjab, Sindh, Baluch và
Kashmir (và một số người Pashtun) được coi là lực lượng ngoại bang nếu nó
tấn công vào các vùng đất bộ lạc.