Trung Mỹ có thể thấy nhiều thay đổi ở các khu vực đang nhận đầu tư
của Trung Quốc, ví dụ như sự phát triển của kênh Grand của Nicaragua.
Công nghệ hiện đại đồng nghĩa với việc người Trung Quốc chỉ thoáng
nhìn qua một bức ảnh vệ tỉnh cũng có thể thấy các cơ hội thương mại mà dải
đất này có thể mang lại. Năm 1513, nhà thám hiểm người Tây Ban Nha
Vasco Núñez de Balboa phải dong buồm vượt qua Đại Tây Dương, cập bến
vùng đất hiện nay là Panama, sau đó lội bộ xuyên qua rừng rậm và vượt núi
non trước khi nhìn thấy trước mặt một đại dương rộng lớn khác - Thái Bình
Dương. Những lợi thế của việc nối kết hai đại dương này là hiển nhiên,
nhưng mất 401 năm, công nghệ mới bắt kịp địa lý. Năm 1914, kênh đào
Panama dài năm mươi dặm vừa mới hoàn tất, do Hoa Kỳ kiểm soát, được
mở cửa, nhờ đó tiết kiệm được đoạn hành trình tám ngàn dặm từ Đại Tây
Dương đến Thái Bình Dương và dẫn đến sự tăng trưởng kinh tế trong khu
vực kênh đào.
Kể từ năm 1999, con kênh này do Panama kiểm soát, nhưng được coi
là tuyến đường thủy quốc tế trung lập được bảo vệ bởi hải quân Hoa Kỳ và
Panama. Và ở đó, đối với Trung Quốc, ẩn chứa vấn đề.
Panama và Hoa Kỳ là bạn - trên thực tế, là bạn bè thân thiết đến mức
Venezuela đã cắt đứt quan hệ với Panama năm 2014, gọi nước này là “tay
sai của Hoa Kỳ“. Ảnh hưởng của thứ ngôn từ khoa trương có từ thời cách
mạng Bolivarian của một đất nước ngày càng hung hăng đã được xoa dịu
bởi nhận thức rằng Hoa Kỳ là đối tác thương mại quan trọng nhất của
Venezuela, và Venezuela cung cấp khoảng 10% lượng dầu mà Hoa Kỳ nhập
khẩu. Tuy nhiên, sự đàn áp tàn bạo của Venezuela đối với các cuộc biểu tình
chống chính phủ vào năm 2017 đã khiến Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng
phạt lên khối tài sản tư nhân đáng kể của Tổng thống Maduro và một số
quan chức cấp cao mà phiên bản chủ nghĩa xã hội của Bolivia đã dẫn dắt họ
phân phối lại một lượng tiền lớn cho chính mình.