kết cấu vỏ nửa cứng bay qua vùng băng giá và thả xuống những lá cờ Na
Uy, Ý và Hoa Kỳ từ độ cao khoảng chín mươi mét. Điều này có thể là một
nỗ lực anh hùng, nhưng trong thế kỷ 21, nó không được coi như là cơ sở
pháp lý cho bất kỳ tuyên bố sở hữu nào của ba quốc gia trên đối với khu vực
này.
Điều đó cũng áp dụng cho nỗ lực ấn tượng của Shinji Kazama từ Nhật
Bản, vào năm 1987 đã trở thành người đầu tiên tiếp cận Bắc cực trên một
chiếc xe máy. Kazama đã vô cùng can đảm, vì đã không nương theo một
chóp băng đang co rút. Ông là loại người đi trong bão tuyết để ghi dấu vào
sử sách, nhưng không nghi ngờ rằng ngày nay có ít tuyết hơn để vượt qua.
Việc băng đang lùi xa dần không còn là một câu hỏi nữa - hình ảnh vệ
tinh trong thập niên qua cho thấy rõ ràng diện tích băng đang thu hẹp - chỉ
có nguyên nhân là còn chưa sáng tỏ. Hầu hết các nhà khoa học đều tin rằng
không chỉ các chu kỳ khí hậu tự nhiên, mà con người cũng phải chịu trách
nhiệm, và việc khai thác sắp tới những gì mới được phát hiện sẽ làm cho nó
tăng tốc. Các làng mạc dọc theo vùng duyên hải Bering và Chukchi đã phải
di dời vì bờ biển bị xói lở và đất săn bắn bị mất. Hiện tượng tái bố trí sinh
học đang diễn ra. Gấu và cáo Bắc cực đang di cư, hải mã cạnh tranh đất
sống với nhau, và những bầy cá không biết đến ranh giới lãnh thổ, đang di
chuyển về phía bắc, làm cạn kiệt nguồn dự trữ của một số quốc gia nhưng
gia tăng nguồn lợi cho một số quốc gia khác. Cá thu và cá tuyết Đại Tây
Dương hiện đang xuất hiện trong những lưới đánh cá Bắc Cực.
Ảnh hưởng của băng tan sẽ không chỉ được cảm nhận ở Bắc cực: các
nước ở xa như Maldives, Bangladesh và Hà Lan có nguy cơ lũ lụt cao hơn
khi băng tan và mực nước biển dâng cao. Những hiệu ứng nối tiếp này là lý
do tại sao Bắc cực là một vấn đề toàn cầu, không chỉ là một vấn đề khu vực.