lượng châu Á không được nêu tên đã đụng độ với Nga. Lực lượng vô danh
đó là Nhật Bản, và theo kịch bản, cuộc xung đột bị kích động bởi một tranh
chấp lãnh thổ được các nhà phân tích cho rằng liên quan đến quần đảo Kuril.
Việc phô trương ý định bằng quân sự sau đó đã được nhấn mạnh bằng chính
trị khi Tổng thống Putin lần đầu tiên đưa khu vực Bắc cực vào không gian
ảnh hưởng của Nga trong học thuyết chính sách đối ngoại chính thức của
nước này.
Bất chấp sức mạnh kinh tế của Nga đang giảm sút, dẫn đến cắt giảm
ngân sách ở nhiều cơ quan chính phủ, ngân sách quốc phòng của nước này
vẫn tăng và một phần là để chỉ trả cho việc tăng cường sức mạnh quân sự
Bắc cực diễn ra từ nay đến năm 2020. Moscow đã có kế hoạch cho tương
lai, có sẵn cơ sở hạ tầng từ quá khứ và lợi thế về vị trí. Như Melissa Bert,
một chỉ huy lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ (US Coast Guard), nói với Trung
tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington: “Họ có các thành phố
ở Bắc cực, chúng ta chỉ có làng mạc.”
Tất cả điều này, theo nhiều cách, là sự tiếp tục hoặc ít nhất là sự phục
hồi của các chính sách Bắc cực trong Chiến tranh Lạnh của Nga. Nga biết
rằng NATO có thể bóp nghẹt Hạm đội Baltic của họ bằng cách phong tỏa eo
biển Skagerrak. Khả năng phong tỏa tiềm tàng này càng phức tạp bởi thực tế
là Hạm đội biển Bắc của Nga tại Bắc cực chỉ có được một trăm tám mươi
dặm nước không đóng băng tính từ đường bờ biển Kola cho đến chóp băng
Bắc cực. Từ hành lang hẹp này, Nga phải vượt biển Na Uy và sau đó ngang
qua bàn tay sắt tiềm tàng nơi khoảng trống GIUK (Greenland, Iceland và
Anh) để đến Đại Tây Dương.
Trong Chiến tranh Lạnh, khu vực này được NATO biết đến như một
“Sát Khu” (Kill Zone), vì đây là nơi các máy bay, tàu chiến và tàu ngầm của
NATO dự tính sẽ tóm được hạm đội Liên Xô.
Ta tua nhanh thời gian để tiến tới cuộc Chiến tranh Lạnh mới với các
chiến lược vẫn được giữ nguyên như cũ, ngay cả nếu hiện nay Hoa Kỳ đã rút