thay đổi. Các nhà ngoại giao phương Tây có hiểu được điều này không? Nếu
không, tức là họ đã không hiểu gì về Quy tắc A, Bài Một, trong giáo trình
Ngoại giao Nhập môn: khi đối mặt với một điều được coi là mối đe dọa
sống còn, một cường quốc sẽ sử dụng vũ lực. Còn nếu họ hiểu, thì họ phải
coi việc Putin sáp nhập Crimea là giá tương xứng phải trả cho việc lôi kéo
Ukraine vào châu Âu hiện đại và vào không gian chịu ảnh hưởng của
phương Tây.
Một cách nhìn thoáng hơn là Hoa Kỳ và châu Âu nóng lòng chào đón
Ukraine gia nhập vào thế giới dân chủ với tư cách thành viên chính thức của
các thiết chế tự do và pháp quyền của mình, và Moscow không thể làm gì
chống lại điều đó. Đó là quan điểm không tính đến thực tế rằng địa chính trị
vẫn còn tồn tại ở thế kỉ 21, và Nga không chơi trò pháp quyền.
Hừng hực khí thế chiến thắng, chính phủ lâm thời mới thành lập của
Ukraine đã ngay lập tức đưa ra một số tuyên bố ngớ ngẩn, chí ít là ý định bãi
bỏ tiếng Nga như ngôn ngữ chính thức thứ hai ở các khu vực khác nhau. Vì
các khu vực này vốn có nhiều người nói tiếng Nga và có cảm tình với Nga,
và thực tế bao gồm cả Crimea, điều đó chắc chắn châm ngòi cho sự phản
ứng dữ dội. Nó cũng trao cho Tổng thống Putin sự tuyên truyền ông cần có
để lập luận rằng dân gốc Nga tại Ukraine cần được bảo vệ. Kremlin có một
đạo luật bắt buộc chính phủ phải bảo vệ “người sắc tộc Nga”. Khó có thể
định nghĩa cụ thể về thuật ngữ đó, bởi với cách nói như thế nó có thể được
định nghĩa theo bất kỳ cách nào mà Nga cảm thấy phù hợp với mỗi cuộc
khủng hoảng tiềm tàng có thể bùng phát trong Liên Xô cũ. Khi thấy thích
hợp, “sắc tộc Nga“ sẽ được Kremlin định nghĩa đơn giản là những người sử
dụng tiếng Nga như ngôn ngữ thứ nhất. Tại một thời điểm khác, luật về
quyền công dân mới sẽ được áp dụng, nó nói rằng nếu ông bà của bạn sống
ở Nga, và tiếng Nga là bản ngữ của bạn, thì bạn có thể được nhận quyền
công dân Nga. Do đó, khi khủng hoảng nảy sinh, người dân sẽ có xu hướng
chấp nhận hộ chiếu Nga để phòng hờ, và đó chính là đòn bẩy cho sự xâm
nhập của Nga vào cuộc xung đột.