và Hoa Kỳ cố tình bay qua không phận đó mà không báo trước. Trung Quốc
đã ít nhiều đạt được điều gì đó bằng việc công bố rõ vùng nhận dạng này và
biến nó thành một vấn đề; Hoa Kỳ đã đạt được điều gì đó bằng cách cho
thấy họ không tuân thủ yêu cầu. Đó là một trò chơi dài hạn.
Đây cũng là một trò chơi mèo vờn chuột. Đầu năm 2016, lần đầu tiên
máy bay quân sự của Trung Quốc hạ cánh tại một trong những đường băng
được xây dựng trên các hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trong khu
vực quần đảo Trường Sa ở biển Đông. Việt Nam và Philippines đã đưa ra
động thái phản đối chính thức vì cả hai đều có tuyên bố chủ quyền trong khu
vực này. Hoa Kỳ đã mô tả động thái của Trung Quốc là đe dọa “sự ổn định
khu vực”. Giờ đây, Washington theo dõi từng dự án xây dựng và từng
chuyến bay, phải cân nhắc kỹ rồi lựa chọn thời điểm và địa điểm để đưa ra
các phản kháng mạnh mẽ hơn, hoặc phái các lực lượng tuần tra hải quân và
không quân tiến đến gần lãnh thổ tranh chấp. Bằng một cách nào đó, Hoa
Kỳ phải trấn an các đồng minh của mình rằng sẽ hỗ trợ họ và đảm bảo
quyền tự do hàng hải trong các vùng biển quốc tế, đồng thời không đi xa đến
mức lôi kéo Trung Quốc vào một cuộc đối đầu quân sự.
Chính sách của Hoa Kỳ đối với Nhật Bản là trấn an người Nhật rằng
Hoa Kỳ chia sẻ các lợi ích chiến lược đối với Trung Quốc và đảm bảo rằng
căn cứ của Hoa Kỳ tại Okinawa vẫn hoạt động. Hoa Kỳ sẽ giúp Lực lượng
Phòng vệ Nhật Bản trở thành một lực lượng hùng mạnh, nhưng đồng thời
hạn chế năng lực quân sự của Nhật Bản để không thách thức Hoa Kỳ trên
Thái Bình Dương.
Mặc dù tất cả các quốc gia khác trong khu vực đều có vai trò quan
trọng trong một trò chơi ghép hình ngoại giao phức tạp, nhưng các quốc gia
then chốt có vẻ vẫn là Indonesia, Malaysia và Singapore. Cả ba nước có vị
trí vắt ngang eo biển Malacca, mà đoạn hẹp nhất chỉ rộng 1,7 dặm. Mỗi
ngày mười hai triệu thùng dầu vượt qua eo biển đó hướng thẳng đến một
Trung Quốc ngày càng khát đầu, và đến những nước khác trong khu vực.