Cũng vào lúc đó, Newton bắt đầu một cuộc tranh luận với Leibniz, một
toán học gia châu Âu, về ai là người tác quyền đầu tiên trong phép tính vi
phân. Mở đầu cuộc tranh luận này là một bài phê bình của toán học gia
Leibniz, buộc tội Newton đã mượn những tư tưởng của ông về phép tính vi
phân hệ số. Cuộc tranh luận kéo dài trong nhiều năm, và ngay cả sau khi
Leibniz từ trần, cũng vẫn còn có nhiều người ủng hộ ông ở khắp các trường
học châu Âu. Ngay đến hôm nay, cũng khó mà quyết định được, mặc dù
một sử gia công bình vô tư đã thiên về Leibniz, nhưng Newton vẫn là
người đầu tiên; tuy rằng phương pháp của Leibniz dễ hiểu và đầy đủ hơn.
Đầu năm 1727, Newton lâm trọng bịnh. Sức khoẻ ông bị suy giảm quá
nhiều và từ trần vì bịnh kết thạch tại Kensington vào ngày 20 tháng Ba năm
1727.
Ông được chôn tại Vương Cung thánh đường Westminster ngày 28 tháng
Ba, và đến năm 1731 một mộ bia được dựng lên để tưởng niệm ông.
Còn nhiều bức chân dung của Newton lúc còn sinh tiền. Một bức do
Kneller vẽ và một bức khác do Thornhell, cả hai bức hoạ này thuộc quyền
sở hữu của bá tước Portmouth, một bức khác của Kneller thì để tại Petwath.
Học hội Hoàng gia có ba bức chân dung của ông do Jervas vẽ và treo phía
trên ghế của vị chủ tịch. Đại học Trinity cũng có vài bức khác. Bức tượng
toàn thân vĩ đại của Newton do điêu khắc gia Roubilliac nắn và được dựng
lên trước mặt tiền đại học đường Trinity năm 1750. Và đại thi hào lừng
danh Anh Quốc Wordsworth đã đề tặng mấy câu thơ:
“Bức tượng cẩm thạch kia của một bộ óc bất diệt,
Một mình du lịch qua những đại dương lạ lùng của tư tưởng.”
Tuy nhiên, phần thưởng quý giá nhất để tưởng nhớ nhà vật lý học vĩ đại
nhất của nhân loại có lẽ là những vần thơ bay bướm của thi hào Pope được
khắc trên bảng kỷ niệm trong phòng nơi mà thiên tài Newton ra đời:
“Vạn vật và những định luật thiên nhiên còn nằm kín trong bóng tối.”
Chúa bảo rằng “Hãy để Newton ra đời thì mọi vật sẽ bừng sáng”.