thông minh và sâu sắc. Cha ông tuy học ít, nhưng đã thu thập được nhiều
kiến thức thực tiễn và sự thông thái trong đời sống.
Gandhi sinh ngày 02 tháng Chín năm 1860 tại Porbandar (tiểu bang
Kathiawar). Ông sống ở đó cho đến năm lên bảy tuổi, cũng như theo học tại
trường nơi đây, nhưng ông kể lại rằng “thật là cả một sự khó khăn mới
thuộc nổi bản cửu chương”. Sau đó, gia đình ông rời Porbandar để đi
Rajkot, tại đây Kaba Gandhi giữ một vài chức vụ ở triều đình.
Gandhi lập gia đình năm mười ba tuổi. Người anh kế và anh họ ông cùng
cưới vợ cùng ngày với ông. Sau một năm trời bỏ dở, ông tiếp tục học trung
học. Ông học một ít tiếng Sanskrit (cổ ngữ) với sự khó khăn, nhưng sau đó
ông vẫn nỗ lực cố gắng và có thể đọc được vài quyển Thánh thư Ấn Độ.
Ông nghĩ rằng tất cả trẻ con Ấn Độ phải được dạy tiếng Hindi, Sanskrit, Ba
Tư, Ả Rập, và tiếng Anh.
Suốt thời kỳ cha ông bịnh và nằm liệt giường, chính Gandhi là người hầu
hạ và chăm sóc chu đáo cho cha. Cái chết của cha là cơn lốc buồn thảm cho
ông.
Gandhi đậu kỳ thi nhập học và theo học một niên khoá tại Đại Học
Samaldas ở Bhavnagar. Nhưng ông không quen với đời sống ở đó và trở về
nhà. Một bạn già người Bà La Môn của gia đình ông khuyên nên gởi
Gandhi sang Anh Quốc học luật. Sau khi ngần ngại hết sức và tim như đốt
cháy, ông quyết định đi. Sự kiện này là một trường hợp động trời trong giai
cấp phú hào và vị tộc trưởng tuyên bố Gandhi đã bôi lọ danh dự của giai
cấp mình. Ông lên tàu ở Bombay tháng Chín năm 1887, bỏ lại một đứa con
trai vừa được mấy tháng.
Tại London, ông gặp các nhà lãnh tụ thông thần học gồm có bà Besant
và bà Blavatsky. Qua những người này, ông đâm ra say mê văn chương
huyền bí của Ấn Độ, mà từ trước tới nay bị ông thù ghét. Ông rất xúc động
khi nghe một bài giảng đạo nhấn mạnh đến việc cảm hoá những người xấu
về nẻo tốt, và ông so sánh những lời giảng đạo đó với những lời dạy tương
tự như vậy trong Thánh Thư Ấn Độ.