kiện giữa người Hồi và Thiên Chúa cũng được trọng tài pháp đình giải
quyết.
Gandhi trở lại Durban dự định lên tàu trở về nước. Trong lúc ở Pretoria,
Gandhi đã quan sát được những khuyết điểm của cộng đồng Ấn tại Nam
Phi và ông cũng có tổ chức một buổi nói chuyện về đề tài này. Tại bữa tiệc
chia tay để tiễn ông tại Durban, một người nào đó đã dúi vào tay ông tờ báo
ở Natal, và ông biết được nguồn tin chính quyền Natal rút lại quyền đầu
phiếu của dân Ấn. Trước nhu cầu khẩn thiết của đồng bào, Gandhi đồng ý ở
lại Nam Phi để tranh đấu sát cánh cùng đồng bào ông.
Đêm đó, ông thảo ra một bản kiến nghị để trình lên Quốc Hội lập pháp ở
Natal. Đó là bản kiến nghị đệ trình lên quốc hội lần đầu tiên của người Ấn
tại Nam Phi. Dân chúng Ấn nhiệt liệt ủng hộ bản kiến nghị đó. Một đơn
tình nguyện gồm mười ngàn chữ ký được gởi đến cho Lord Ripon, viên
tổng thư ký phủ toàn quyền coi về thuộc địa.
Bây giờ Gandhi lại muốn trở về quê hương, nhưng những người đồng
hương yêu cầu ông ở lại để lãnh đạo họ. Ông bằng lòng, nhưng từ chối
không nhận số lương mà họ đề nghị. Mọi việc cũng sắp xếp xong, ông
được giao cho một công việc làm trong hãng buôn lớn của Ấn và như thế
ông sẽ có thể tự mưu sinh được trong khi tiếp tục tranh đấu trong vai trò
lãnh đạo tinh thần người Ấn tại Nam Phi.
Ông bắt đầu lo việc tổ chức. Tháng Năm năm 1894, ông thành lập quốc
hội Ấn tại Natal. Ông cũng mở đầu một chiến dịch nâng cao trình độ dân
Ấn trong các vấn đề sạch sẽ, cải thiện những điều kiện vệ sinh, nhà ở và
giáo dục.
Năm 1896, Gandhi về Ấn Độ nghĩ hè trong sáu tháng. Tại quê nhà, ông
diễn thuyết khắp nơi để nói về thực trạng của dân chúng Ấn tại Natal cũng
như viết một quyển sách nhỏ được phổ biến rộng rãi.
Những hoạt động này gây giận dữ cho người phương Tây ở Natal. Sự
giận dữ lên đến cực điểm nên những người da trắng ở Durban quyết định
cấm gia đình Gandhi và tám trăm hành khách Ấn trên chiếc tàu chở Gandhi