được vào Transvaal, và cùng lúc đó một biến động ê chề khác lại dồn dập
đến cho kiều bào Ấn. Tối cao Pháp viện Nam Phi ra lịnh là chỉ có những
hôn lễ theo Thiên Chúa giáo mới được viên chức hộ lại ghi vào sổ và chính
thức hợp pháp ở Nam Phi. Làn sóng phẫn nộ dâng tràn mạnh mẽ trong lòng
Ấn Kiều. Dưới sự lãnh đạo của Gandhi, những người Ấn ở Transvaal cố ý
làm cho vào tù để biểu lộ ý chí chống đối.
Tiếp theo, những người thợ có giao kèo với các mỏ than ở Natal đình
công để phản đối ba đồng bảng Anh tiền thuế mà họ bị cưỡng ép phải đóng
lúc cuối giao kèo. Gandhi đến Natal yểm trợ tinh thần họ. Ông cầm đầu
một đám đông khổng lồ gồm hàng ngàn người đình công thất học, nghèo
khổ làm một cuộc diễu hành đến Transvaal. Gandhi và những người theo
giúp ông đều bị bắt, ông bị giam riêng tại Bloemfontein, nơi đây không có
người Ấn nào ngoài một vài tên bồi ở khách sạn.
Những người thợ đình công bị bắt cả bọn (dưới ảnh hưởng của Gandhi
họ sẵn sàng chấp nhận sự bắt bớ một cách thản nhiên). Tất cả bị lùa trở lại
Natal, họ bị dùng võ lực như đánh đập, bắn bỏ và bắt buộc phải trở lại làm
việc trong các hầm mỏ. Sự đối xử tàn tệ làm người Ấn Độ phẫn nộ điên
cuồng và phó vương Lord Hardinge phải đọc một bài diễn văn vạch trần tội
ác và buộc tội hành động dã man của chính quyền Nam Phi.
Đại Tướng Smuts bị hạ bệ. Một uỷ ban được chỉ định để giải quyết vấn
đề và Gandhi cùng những lãnh tụ khác được thả ra vô điều kiện. Cuối cùng,
bản ký kết giữa Gandhi và Smuts được mang ra thảo luận, và hợp thức hoá
một đạo luật bảo vệ Ấn kiều, huỷ bỏ những bất công. Đây là điểm vinh
quang cao nhất của giai đoạn đầu trong cuộc đời tranh đấu của Gandhi, ông
đã tỏ cho thế giới biết hiệu quả vĩ đại của một thứ võ khí mới của kẻ bị áp
bức, đó là Satyagraha.
Gandhi lên tàu đi Anh Quốc. Cuộc đại chiến thế giới bùng nổ giữa Đồng
Minh và phe Trục, khi ông còn đang lênh đênh ngoài biển cả. Sau khi đến
nơi, ông tức tốc xin phép chiêu mộ những người Ấn tại Anh thành lập đoàn
cứu thương lưu động. Nhưng bất ngờ chứng sưng màng phổi bộc phát bắt