THỰC DÂN, PHONG KIẾN LÀ GÌ ?
Thực dân và phong kiến là hai danh từ được nói đến nhiều nhất từ khi
diễn ra chiến tranh ở nước ta : phản phong, đả thực.
Vì dùng quen miệng, người ta kêu bất cứ ai là thực dân, phong kiến,
một phần cũng tại không hiểu phong kiến là gì, thực dân là gì.
Thực dân là bọn người của một nước đế quốc chiếm nước khác làm
thuộc địa để bóc lột dân chúng ở đó. Chủ nghĩa thực dân chủ trương xâm
chiếm thuộc địa để thi hành ý định bóc lột nói trên. Trong thế chiến thứ nhì,
phát sinh chủ nghĩa thực dân mới. Đó là chính sách của các đế quốc dùng
viện trợ kinh tế và quân sự để thao túng các nước nhỏ theo chúng, phải dựa
vào chúng mới sống được, không có chúng thì chết.
Vì có danh từ thực dân nên thuộc địa còn có tên là thực dân địa.
Còn phong kiến thì là một thứ chế độ xưa cũ, độc đoán, thành lập trên
sự áp bức và bóc lột nông nô và nông dân, ruộng đất là của chúa đất, chúa
đất giao đất cho nông nô hay nông dân cầy cấy mà thu tô. Về chánh trị,
dưới chế độ phong kiến, quyền hành tập trung trong tay vua quan và chúa
đất (vì thế có danh từ lãnh chúa để chỉ những chúa phong kiến chiếm đoạt
đất của nông dân và bóc lột sức lao động của họ).
Từ đó chữ phong kiến được hiểu rộng ra là tất cả cái gì nằm trong
phong tục và thói quen do chế độ phong kiến để lại.
Tư tưởng phong kiến là tư tưởng chuyên chế, độc đoán.
Phản phong là chống lại phong kiến, cũng như phản đế, nghịch đế, có
nghĩa là chống đế quốc. Thí dụ : phong trào phản đế ở nước ta lên cao.