THẾ NÀO LÀ « DĨ KHÔNG GIAN HOÁN THỦ
THỜI GIAN » ?
« Dĩ không gian hoán thủ thời gian » là một phương lược (phương
châm sách lược) dùng cho cả chính trị, kinh tế và quân sự, song chủ yếu
người ta hay dùng cho quân sự.
Đại ý, đó là một phương pháp tạm thời hy sinh không gian (đất đai) để
giữ lấy ưu thế về thời gian.
Trong thời kỳ chiến tranh chống Nhật, nhân dân Trung Hoa, dưới sự
lãnh đạo của Thống chế Tưởng Giới Thạch, cũng thi hành chiến lược này.
Hồi đó, lực lượng của Trung Hoa còn nhỏ bé mà lực lượng của Nhật Bản
hùng mạnh và ào ạt tấn công. Nếu rải quân ra để chống giữ mọi mặt thì
cách mạng Trung Hoa sẽ bị thất bại nên tạm thời bỏ lỏng ra cho quân Nhật
dễ dàng chiếm đóng một số địa điểm, còn quân của Tưởng Giới Thạch thì
tập trung lại, lập thành nhiều căn cứ du kích và chủ trương đánh lâu dài.
Tưởng Giới Thạch định đợi cho quân Nhật tiêu hao rồi mới sẽ tổng phản
công.
Nhờ đó, Trung Hoa thắng lợi. « Hoán thủ thời gian » không có nghĩa
là tranh thủ thời gian để làm gấp, mà có nghĩa là tranh thủ thời gian để thời
gian ấy tạo lợi thế cho mình.
« Trì cửu chiến » (đánh lâu dài) là một lối đánh để « hoán thủ thời gian
».
Có một điều đáng chú ý là không phải cuộc chiến tranh nào cũng có
thể dùng phương lược « dĩ không gian hoán thủ thời gian » để chuyển từ
thế yếu qua thế mạnh được.
Muốn đánh lâu dài (nghĩa là muốn tranh thủ được thời gian để làm lợi
cho mình), phải có chính nghĩa, nếu không thì không có sự ủng hộ của nhân
dân.