BẦN NÔNG, CỐ NÔNG, TRUNG NÔNG
Nhiều người lầm rằng bần cố nông là một danh từ dùng để chỉ nông
dân nghèo, phải « cầm đợ cố bán » ruộng đất để sống.
Sự thực bần nông và cố nông là hai danh từ khác nhau : bần nông và
cố nông. Bần nông là nông dân nghèo, không có ruộng đất, không có công
cụ sản xuất hoặc có rất ít, phải đi lĩnh canh, nghĩa là mướn ruộng của địa
chủ để cầy cấy hoặc đi làm thuê cho địa chủ.
Cố nông cũng là một thứ nông dân nghèo nhưng nghèo hơn bần nông,
phải cầm cố ruộng đất cho địa chủ, nghĩa là gán ruộng làm tin để vay tiền
(cố ruộng tức là cầm ruộng).
Bần cố nông là bần nông và cố nông nói tắt. Thí dụ : …dựa vào bần cố
nông để phát động phong trào quần chúng.
Trung nông là thành phần nông dân tương đối khá hơn. Đó là người
nông dân có ruộng đất, có công cụ sản xuất, tự mình có thể canh tác ruộng
mình hay mướn người lao động.
Vì có người cho rằng việc phân chia ruộng đất không đều, kẻ thì
nghèo quá, người thì giàu quá, người lao động nhiều thì không có ăn, người
không làm gì cả thì lại phè phỡn, sung sướng nên mới có bất mãn và nông
dân mới nổi dậy chống chánh quyền, đả phá bất công xã hội nên mới phát
sinh ra cải cách ruộng đất.
Cải cách ruộng đất, dưới nhiều danh từ khác nhau như « người cầy có
ruộng », « cải cách điền địa » v.v… là một cuộc vận động qui mô nhằm phá
bỏ bất công về sự phân phối ruộng đất, diệt trừ quan hệ phong kiến về
ruộng đất, đem lại công bình hơn trong việc cầy cấy đất cát, để cho không
có người nhiều ruộng đất quá (một phần vì đi cướp của người) mà đồng
thời chính người cầy cấy lao động nhiều khi lại không có ruộng để cầy.