Theo các sách từ điển của Tầu như Từ Hải, Từ Nguyên thì « văn hóa
là cái tổng hợp những thành tích cố gắng của xã hội loài người tiến từ dã
man đến văn minh ; những thành tích ấy biểu hiện dưới những hình thức
khoa học, nghệ thuật, tôn giáo, đạo đức, pháp luật, phong tục, tập quán ».
Chúng ta nhận thấy trong đời sống hàng ngày của loài người có những
hoạt động về đủ các phương diện : chánh trị, khoa học, kinh tế, nghệ thuật,
đạo đức, tôn giáo v.v… Văn hóa chính là não tủy, là cái tinh thần đã sáng
tạo ra các trạng thái và sự kiện ấy, và cũng vì năng lực sáng tạo ấy mà nó có
sức hướng dẫn, ảnh hưởng và chi phối rất chặt chẽ đến đời sống và mọi
hoạt động của con người, bao trùm cả phương diện tinh thần lẫn vật chất,
nhưng nó không phải là bản thân của những trạng thái và sự kiện ấy.
Nói tóm lại, văn hóa gồm có hai ngành chính là :
Văn tức là văn học (les lettres) và nghệ thuật (les arts), nói chung là
văn nghệ.
Hóa tức là khoa học (les sciences) và kỹ thuật (les techniques).
Văn học đưa ta đến Thiện, nghệ thuật đưa ta đến Mỹ, khoa học đưa ta
đến Chân, kỹ thuật đưa ta đến Tiến.
Có nhiều người lầm lẫn trong việc sử dụng danh từ « văn học » và «
văn hóa ». Chỉ một người học giỏi mà nói « anh đó văn hóa cao » hay ăn
một bữa cơm ngon mà nói « văn hóa khá lắm » thì không đúng.
Nói một người có văn hóa (theo nghĩa tương đối) là nói một người
không phải chỉ có học giỏi, mà còn là người lễ độ, bặt thiệp, lịch sự và có
nhiều kiến thức khác.
Học giỏi chỉ là người có văn học. Văn học chỉ là sản phẩm tinh thần
của loài người được biểu hiện bằng văn tự, là môn học về văn chương,
nghiên cứu về thơ văn, thi phú v.v…
Việt Nam Văn học sử là lịch sử văn học qua các thời đại từ cổ chí kim
của Việt Nam (histoire de le littérature vietnamienne).