SƠN ĐỊA CHIẾN KHÁC DU KÍCH CHIẾN RA
SAO ?
Vì có danh từ « sơn đầu » vừa nói trên kia, nên mới có danh từ « sơn
cước » là chân núi (cước là chân). Miền sơn cước là miền rừng núi. Gần
đây, ta lại nghe thấy nói nhiều đến một danh từ khác cũng bắt đầu bằng chữ
sơn : sơn địa chiến.
Sơn địa chiến là chiến trận miền sơn cước. Có người định nghĩa « sơn
địa chiến » là một cách đánh trận miền rừng núi. Không phải.
Để cho thật rõ nghĩa, ta nên biết thêm một chút về tính chất của sơn
địa chiến.
Sơn địa chiến cần đến kỹ thuật và phương tiện tác chiến khác hẳn với
kỹ thuật miền châu thổ. Những khó khăn trong công cuộc chiến đấu miền
sơn cước như sau :
a) núi rừng hiểm trở nên trận địa phải chia cắt ra thành nhiều mảnh ;
b) giao thông liên lạc khó, vấn đề tiếp vận, trong nhiều trường hợp, là
vấn đề then chốt của thắng lợi, cần thiết hơn cả kỹ thuật chiến đấu giỏi ;
c) không sử dụng được các loại xe tự động mạnh (xe tăng, thiết giáp),
nhiều khi võ khí lớn chở bằng xe hay máy bay cũng thành vô tác dụng ;
d) cuối cùng, trở ngại lớn nhất cho việc hành quân là vấn đề trở ngại
về khí hậu và địa hình.
Tiềm lực chiến đấu chính yếu của sơn địa chiến là địa phương quân đã
từng quen thuộc với khí hậu và tinh thông đường xá. Họ được võ trang
bằng các loại võ khí riêng, nhẹ như sơn pháo hay sơn địa lựu đạn pháo
v.v… Các loại cung, tên, cạm bẫy rất thích hợp với lối đánh kỳ tập làm cho
đối phương vô cùng lúng túng, tiến thoái lưỡng nan, xông vào không rút ra
được nữa.