Cho nên thông thường ta nói : « Xin bạn làm ơn phổ biến giúp tôi tài
liệu này », chớ không bao giờ nói « Xin bạn làm ơn phổ cập giúp tôi… ».
Vì phổ cập đòi hỏi một công phu và muốn thực hiện nó phải có những
phương tiện.
« Phổ biến » cũng còn có khía cạnh « được mọi người công nhận »
nữa. Như câu thí dụ đầu tiên « Từ bi bác ái là chân lý phổ biến của triết lý
đạo Phật » còn có nghĩa « chân lý được mọi người công nhận ».
Vì thế cũng có danh từ « phổ biến tính » tức tính chất chung mà tất cả
mọi sự vật đều có, đều được chấp nhận. Thí dụ : « Mâu thuẫn nội tại là phổ
biến tính của vạn vật » (tức là tất cả mọi vật trên thế gian này đều có mâu
thuẫn bên trong ; chính nhờ có mâu thuẫn đó nên mới có sinh, thành, trụ,
diệt).
Và cũng có danh từ « phổ biến luận » để chỉ học thuyết cho rằng cái
đặc biệt, cái cá thể không quan hệ bằng cái phổ biến, cái tập thể
(universalisme).
Về ấn loát, ngoài các bản in trên giấy tốt hoặc có thêm mầu sắc, còn
có rất nhiều các bản in thường rẻ tiền để tiện phổ biến trong dân chúng,
người ta gọi là « phổ biến bản », với ý nghĩa mong được dân chúng lưu tâm
nghiên cứu, mà ở Trung Hoa gọi là « dân chúng bản ».