PHỔ BIẾN KHÁC PHỔ CẬP
Chữ « phổ » trong cả hai danh từ « phổ biến » và « phổ cập » đều có
nghĩa là rải khắp.
Song « phổ biến » có nghĩa « mở rộng chung cho tất cả mọi nơi làm
cho ở tất cả mọi nơi đều có một hiệu lực hay một tác động như nhau ». Còn
« phổ cập » có nghĩa « tới khắp mọi nơi, không thiếu sót chỗ nào ».
Thí dụ ta nói : « Từ bi, bác ái là chân lý phổ biến của triết lý đạo Phật
» hay nói : « Ăn ngủ và bài tiết là yêu cầu sinh lý tất yếu phổ biến của
muôn loài ». Hoặc về danh từ phổ cập, nói : « Yêu cầu phổ cập của nền
giáo dục Việt Nam phải tới trình độ trung học đệ nhất cấp », hay nói : «
Công tác văn nghệ phải đạt được hai mục đích phổ cập và nâng cao ».
Trong câu thí dụ cuối cùng này, ta cần chú ý một chút. Tại sao không
nói : « Công tác văn nghệ phải đạt được hai mục đích phổ biến và nâng cao
» lại nói « phổ cập » ? Nếu dùng phổ biến, cũng có nghĩa lắm chứ ! Cũng
có nghĩa khi nó chỉ muốn nói « công tác văn nghệ phải trải rộng ra tất cả
mọi nơi », thí dụ trong bộ môn điện ảnh chẳng hạn, phải làm sao cho tất cả
mọi người được xem tất cả các loại phim hay hiểu được vị trí của điện ảnh
với dân sinh.
Song nó không đạt được ý « công tác văn nghệ phải đạt tới mức độ
phù hợp với sự hiểu biết của tất cả mọi người » (hay làm cho tất cả mọi
người phải hiểu biết tới mức độ đó). Đó là một tiêu chuẩn, sau nâng cao
lên. Ấy mới chính là phương châm của công tác văn nghệ.
Đó là những nội dung ý nghĩa mà khi đọc ta phải nên thận trọng. Hiểu
sai để có ý thức sai, tức là bắt đầu có một nửa hành động sai rồi đó.
Yêu cầu của phổ biến là mở rộng ra cho mọi người biết, hy vọng ở họ
có một phản ứng hiệu lực như nhau, song còn kết quả nhận thức của họ thế
nào để họ hành động ra sao là vấn đề tùy thuộc nơi trình độ họ.