Theo quy luật tự nhiên của sự phát triển xã hội, loài người cứ phải mỗi
ngày mỗi tiến, thì cứ sau một thời gian nhất định (dài vắn tuỳ theo trình độ
tiến lanh, tiến chậm của mỗi nước) lại có một cuộc cách mạng. Đó là những
cuộc vận động mấu chốt để thay đổi quan hệ về sự làm việc và cách hưởng
thụ về sự làm việc ấy nhằm đẩy mạnh sức sản xuất trong nước.
Như trên đã nói, cách mạng là một cuộc vận động thay đổi lớn và có
tính chất đột biến, cho nên cách mạng khác với cải lương. Cải lương, cải
tiến, chỉ là sự thay đổi dần dần.
Những người chủ trương cách mạng triệt để thường chống chủ nghĩa
cải lương, cải tiến, vì theo họ, cải lương, cải tiến tuy không phải là thoái bộ,
nhưng chỉ là một hình thức sa đoạ, làm nhụt ý chí đấu tranh của người cách
mạng. Quần chúng vì ngại đấu tranh khó khăn, cũng dễ tự mãn hay được an
ủi phần nào về những kết quả của các cuộc vận động cải lương, cải tiến.
Tuy nhiên vẫn có những người chủ trương cách mạng triệt để, song
không từ chối các cuộc vận động cải lương, cải tiến vì theo họ, nhiều cuộc
vận động cải lương, cải tiến góp lại cũng thành một cuộc cách mạng. Có
điều là họ không bao giờ chịu thoả mãn làm cho ý chí đấu tranh đình lại sau
một cuộc vận động cải lương, cải tiến.