Ngoài hai danh từ tranh đấu và tranh thủ ra, còn tranh chấp. Tranh
chấp là giành giật nhau. Thí dụ : các ông lớn tranh chấp quyền hành – Nhật
và Trung Hoa Dân Quốc tranh chấp thị trường.
Chữ tranh chấp còn có thể dùng để nói về sự bất đồng ý kiến trong
một cuộc tranh luận. Thí dụ : ý kiến tranh chấp. Khi cuộc tranh giành có
sức mạnh xen vào, người ta nên dùng chữ tranh cường. Tranh cường cũng
là tranh chấp, tranh đua, tranh giành, nhưng có ý nhấn về hai lực lượng
giành giật nhau quyền lợi, đo sức với nhau để giành lấy thua, được. Thí dụ :
trước cờ ai dám tranh hùng, năm năm hùng cứ một phương hải tần.
Tranh đoạt cũng có ý giành nhau để chiếm lấy quyền lợi, cũng như
tranh giành, tranh chấp (tranh giành thị trường), nhưng tranh hùng thì có ý
nghĩa mạnh hơn một chút, tuy cũng chỉ có ý nghĩa giành giựt nhau.
Sau hết, còn danh từ tranh tồn. Danh từ này có ý rộng rãi và ngụ ý
tranh đấu để giành lấy sự sống. Danh từ này bị coi là cũ, ít ai dùng tới.