Nghĩ đến Âu Dương San, không hiểu sao Quan Kiện thấy rờn rợn – vì
anh nhớ rằng hồi học trung học, San đã từng nói sở dĩ anh nhìn thấy “bọn
họ” là vì anh có thể giao lưu với “ma”, giống như cậu bé trong bộ phim Mỹ
“Giác quan thứ sáu”.
* * *
Đã vào giữa thu nên trời nhanh tối, bầu trời lại phủ đầy mây xám, khi
đến giờ ăn tối thì khắp khu Đại học Y số 2 Giang Kinh đã tối sầm. Trên
đường đến nhà ăn, Quan Kiện bị những cơn gió mạnh trước lúc “mưa ngàn
xối xả” tạt thốc vào mặt. Lẽ ra cũng chẳng có gì đáng nói. Nhưng…
“Quan Kiện chỉ được cái mẽ! Yếu như con gái! Chỉ cơn gió thổi mà
đánh rơi cả bát đũa!”. Chử Văn Quang là bạn cùng phòng với Quan Kiện,
cùng chạy vào nhà ăn với anh. Nhìn anh cúi xuống nhặt bát đũa lên, Quang
lại thấy tạo hóa quá ư thiên vị: Quan Kiện cao to khôi ngô đã đành, ngay
dáng điệu của hắn cũng rất đáng nể: bát đũa bị rơi thì “tẽn tò”, mà cái động
tác nhặt lên của hắn vẫn rất ung dung như người đánh gôn nhặt quả bóng
trên sân!
Chỉ có Quan Kiện mới biết, chính vào cái lúc cơn gió tạt đến anh đã
nhìn thấy “bọn họ”.
Anh vốn cho rằng bao năm qua việc mình kiên quyết né tránh “họ”, đã
có hiệu quả trong việc cố tình quên đi một cách có lựa chọn những nỗi khổ
mà “họ” đem đến, đã xua đuổi được những cơn ác mộng từ hồi nhỏ…
Nhưng anh đã nhầm! “Họ” bỗng lại xuất hiện như xưa, xuất hiện mà không
hề có dấu hiệu báo trước, với những bộ mặt lờ mờ và gớm ghiếc.
Làn da của anh tê dại và căng ra ghê gớm, những đốm mồ hôi li ti lách
ra từ chân tóc trên đầu không sao kìm lại được, rồi có thể bay hơi theo gió,
nhưng “bọn họ” thì lại siết chặt, nén chặt đầu anh, óc anh đau căng chỉ chực
nổ tung.
Chính “bọn họ” đã khiến anh gần như mất đi hoàn toàn tuổi thơ tươi
đẹp. Khi “bọn họ” xuất hiện, thường kèm theo những cái chết bất ngờ hoặc
không bất ngờ của những người gần kề anh. Khả năng đặc biệt của anh đã