Em tôi gọi đó là “quăng câu ăn bóng”, và thật lòng tôi không biết
có nên tin cái lý thuyết đó không - rằng lũ cá chú ý tới bóng của
con mồi lướt trên mặt nước trong lần quăng câu đầu tiên, vì thế
chúng đớp mồi ngay khi nó chạm mặt nước. Đó là một dạng lý
thuyết “kích thích khẩu vị”, hầu như quá huyễn hoặc không thể
tin được, nhưng vào thời đó, mỗi người câu cá giỏi đều có một
vài tín điều linh nghiệm với riêng anh ta chứ không ai khác.
Quăng câu ăn bóng chẳng bao giờ linh nghiệm đối với tôi,
nhưng có lẽ là vì cánh tay và cổ tay của tôi không đủ mạnh để
giữ cho dây câu quay tròn bên trên mặt nước cho đến khi lũ cá
tưởng tượng ra một đàn côn trùng mới nở đang bay ra.
Bộ đồ ướt ôm sát người em tôi làm cho dễ thấy được sức vóc của
nó. Hầu hết những người quăng câu giỏi mà tôi biết đều là
những người to lớn, cao hơn một mét tám ba, cao hơn tất nhiên
đồng nghĩa với việc dễ vung được dây câu dài hơn trên không
thành một cung tròn lớn hơn. Em tôi chỉ cao một mét bảy tám,
nhưng nó đã câu cá quá nhiều năm đến nỗi thân thể nó phần
nào phát triển phù hợp cho việc quăng câu. Năm nay nó ba
mươi hai tuổi, ở đỉnh cao của sức lực, nó có thể đặt toàn bộ thân
thể và tâm hồn vào chiếc cột linh vật kỳ diệu nặng một trăm hai
mươi tám gram. Cách đây khá lâu, Paul đã vượt xa cha tôi về khả
năng quăng câu bằng cổ tay, mặc dù cổ tay phải của nó luôn
quan trọng đến nỗi trở nên to hơn cổ tay trái. Cánh tay phải của
nó, vốn bị cha tôi cột về một bên để chú trọng vào cổ tay, vung
ra khỏi áo như một cỗ máy, và cánh tay này cũng to hơn cánh
tay trái. Chiếc áo ướt gồ lên rồi bung nút theo những cú xoay vai
và hông. Cũng không khó hiểu tại sao nó là một “chiến binh
đường phố”, đặc biệt là nó luôn ra đòn đầu tiên với nắm đấm
phải.
Nhịp điệu cũng quan trọng như màu sắc và cũng tinh tế như
vậy. Nhịp này chồng lên nhịp khác, nhịp bốn của dây câu và cổ