tay mà cha chúng tôi dạy vẫn là nhịp điệu căn bản. Nhưng
chồng lên nó là nhịp hai của cánh tay đẩy lên như cái pít-tông
và nhịp bốn hình số 8 hoàn chỉnh dài, quan trọng nhất của
những vòng dây ngược.
Hẻm núi lung linh với nhịp điệu và màu sắc.
Tôi nghe thấy tiếng nói ở sau lưng. Một người đàn ông và vợ đi
xuống con đường mòn, mỗi người xách một cần câu, nhưng có
lẽ họ sẽ chẳng câu kéo gì nhiều. Có lẽ họ không có ý định gì khác
hơn là được đi chơi ngoài trời cùng nhau, và sẵn dịp hái quả việt
quất về làm bánh. Vào thời đó, chưa có nhiều thứ trang phục thể
thao vải dày cho phụ nữ. Cô ta là một người phụ nữ to béo, vạm
vỡ mặc quần yếm nam loại phổ thông, cặp vú của người mẹ
căng lên dưới lần vải yếm. Cô ta là người đầu tiên trông thấy em
trai tôi đang xoay vòng trên đỉnh vách đá. Đối với cô ta, Paul hẳn
phải trông giống như một “nghệ sĩ quăng dây” ở một cuộc tranh
tài của những người chăn bò, đang làm đủ mọi loại trò, ngoại
trừ việc nhảy vào và nhảy ra cái thòng lọng của mình.
Người phụ nữ tiếp tục quan sát trong lúc quờ tay ra sau lưng để
trải một đám lá thông ra ngồi. Cô ta thốt lên: “Ôi trời, ôi trời!”.
Anh chồng dừng lại, đứng yên và nói: “Giê-su”. Thỉnh thoảng
anh ta lại kêu lên: “Giê-su”. Mỗi lần như vậy, cô vợ lại gật đầu. Cô
ta nằm trong số những bà mẹ Mỹ không bao giờ mơ đến việc nói
những lời báng bổ nhưng lại khoái trá trước những lời của
chồng mình, và dần cảm thấy nghiện, giống như nghiện khói xì
gà vậy.
Tôi dợm đứng lên đi tìm chỗ câu mới. “Ồ không” - cô ta nói -
“Anh sẽ chờ chứ, phải không? Lúc nào anh ta vào bờ, anh sẽ thấy
những con cá to của anh ta”.
“Không” - Tôi đáp - “tôi thà xem những con tép riu”.