nào ảnh hưởng đến họ nhất khi theo đuổi công bằng xã hội thông qua
chính trị. Mười bảy người trong số họ viện dẫn cuốn Cho đến kẻ cuối
cùng. Mười ba năm sau, George Bernard Shaw nói trong dịp 100 năm
ngày sinh Ruskin, tuyên bố rằng việc công kích Vladimir Lenin và
buộc tội Karl Marx, nếu so sánh với các tác phẩm của Ruskin, nghe
như những lời nhàm chán của một hiệu trưởng quê mùa. (Tuy nhiên,
bản thân Ruskin, vốn thích giễu cợt những kẻ đóng nhãn, tự nhận
mình là một “Tory
quá khích trường phái cũ - kiểu như, trường phái
Walter Scott và của Homer”). “Trong đời mình tôi đã gặp nhiều nhân
vật cực kỳ có máu cách mạng,” Shaw chia sẻ, “và rất nhiều trong số
họ, khi tôi hỏi, ‘Ai đưa anh vào con đường cách mạng này? Karl Marx
ư?’ đã trả lời thẳng thắn, ‘Không, đó là Ruskin.’ Những kẻ Ruskin chủ
nghĩa này có lẽ là nhóm triệt để nhất trong số những ai chống đối hiện
trạng của xã hội chúng ta. Thông điệp chính trị của Ruskin với những
người có văn hóa của thời ông, tầng lớp của chính ông, được mở đầu
và kết thúc bằng lời phán định đơn giản: ‘Các anh là một lũ ăn cắp.’”
Ruskin không đơn độc trong nắm giữ quan điểm này. Những
người khác trong thế kỷ 19 cũng giải thích cặn kẽ, giọng điệu lúc thì
phẫn nộ lúc thì lâm ly, những lời phê bình giống hệt nhau về sự sùng
bái đồng tiền như là yếu tố chính quyết định lòng tôn trọng, một phù
hiệu giả định về một thiện tính hiển hiện, thay vì chỉ đơn thuần là một
thành tố, và chắc chắn không phải quan trọng nhất, của một cuộc sống
đã viên mãn và đang viên mãn. “Con người luôn có khuynh hướng
xem sự giàu có tự nó đã là một mục đích trân quý và chắc chắn chưa
bao giờ khuynh hướng đó mãnh liệt như ở nước Anh hiện nay,”
Matthew Arnold ta thán trong Culture and Anarchy (Văn hóa và vô
chính phủ) (1869). “Chưa bao giờ người ta tin vào thứ gì chắc chắn
hơn thế, như chín trong mười người Anh thời nay tin rằng sự vĩ đại và
phúc lợi của nước Anh được minh định bởi ta rất giàu.” Như Ruskin
đã làm bảy năm trước, Arnold hô hào cư dân của quốc gia công