nghiệp đầu tiên và tân tiến nhất thế giới hãy nghĩ về sự giàu có chỉ như
một trong nhiều phương tiện đảm bảo hạnh phúc, một mục đích được
ông định nghĩa (để hứng thêm những tràng cười từ các nhà phê bình ở
Daily Telegraph) như một “hoạt động tinh thần hướng nội, với các đặc
tính là giúp tăng sự ngọt ngào, gia tăng ánh sáng, nâng cao cuộc sống
và tăng niềm thông cảm.”
Trước đó, Thomas Carlyle cũng có quan điểm khá tương đồng,
nếu bớt ngoại giao đi chút ít. Trong Midas (1843), ông hỏi, “Nền công
nghiệp thành công của nước Anh, cùng với của cải thừa mứa của nó,
ai trong chúng ta làm nó giàu lên?... Chúng ta có những thứ đồ xa xỉ
phục vụ cho cuộc sống của mình, nhưng ở giữa những thứ ấy ta đã
quên sống. Nhiều người ăn những món ngon hơn, uống những loại
rượu quý hơn, nhưng sống giữa những thứ đó, liệu phúc lành có tăng
lên? Họ có tốt hơn, đẹp hơn, mạnh mẽ hơn, can đảm hơn? Thậm chí
họ có đúng như điều họ tự gọi là ‘hạnh phúc hơn’ không? Trên trần
gian của ý Chúa này, liệu trông họ có viên mãn hơn khi có nhiều của
cải và quan hệ hơn không, đồng thời nhiều của cải và quan hệ hơn có
hiện lên cùng với sự thỏa mãn ở họ hay không? Không hẳn... Chúng ta
đã quên tiệt đi rằng dù ở bất cứ đâu thì việc chi trả bằng tiền mặt cũng
không phải là mối quan hệ độc nhất giữa con người.”
Không phải Carlyle không nhìn thấy những lợi ích của doanh
nghiệp hiện đại; ông thậm chí còn thấy sự hấp dẫn của một số khía
cạnh trong nghề kế toán (“sổ sách kế toán kép thật đáng ngưỡng mộ,
để ghi chép mọi thứ theo cùng một phương pháp,” ông thừa nhận).
Nhưng giống như Arnold và Ruskin và bất kỳ nhóm các nhà phê bình
xã hội nào trước và sau họ, ông không thể chấp nhận một cách sống
mà trong đó thứ ông gọi là “sự sùng bái tiền tài” rõ ràng đã dung nạp
lực hướng đến “phúc lành” và “sự thỏa mãn” vào “trần gian của ý
Chúa”.