Sự không thống nhất về lễ nghi giữa địa vị thiên đàng và trần giới
hứa hẹn cho các môn đồ một lối thoát khỏi cái tầm nhìn bức bối và
một chiều kích về thành công. Kitô giáo không gạt bỏ hoàn toàn quan
niệm về một hệ thứ bậc; thay vào đó, nó góp phần tái định nghĩa thành
công và thất bại bằng những khái niệm luân lý, phi vật chất, bằng việc
khẳng định rằng sự nghèo khó có thể tồn tại song hành cùng lòng tốt,
và một nghề nghiệp khiêm tốn đi cùng một tâm hồn cao quý: “Cuộc
sống của một người không ở sự dư thừa những thứ anh ta sở hữu,”
theo lời Thánh Luca, một môn đệ của người thợ mộc túng thiếu ở
Galilee.
2.
Nhưng không chỉ đơn thuần khẳng định sự ưu việt của thành công về
mặt tinh thần so với thành công vật chất, Kitô giáo còn dành tặng cho
các giá trị mà nó tôn sùng một sự nghiêm cẩn và vẻ đẹp đầy cám dỗ,
đạt được điều này phần nào là nhờ việc khéo léo sử dụng hội họa, văn
chương, âm nhạc và kiến trúc. Nó dùng các tác phẩm nghệ thuật để
minh chứng cho những phẩm hạnh chưa bao giờ được miêu tả một
cách nổi bật trước đó, có chăng thì cũng chỉ theo các mức ưu tiên của
các nhà cai trị hoặc thần dân của họ.
Trong nhiều trăm năm, các nhân tài gồm những thợ đẽo đá, nhà
thơ, nhạc sĩ và họa sĩ xuất sắc nhất - tiền nhân của họ từng được triệu
đến để tán dương lễ khải hoàn của các đế vương và chiến thắng đẫm
máu của các quân đoàn trước đám man rợ - được chỉ dẫn hướng đến
việc xưng tụng các hoạt động như làm việc thiện và tỏ lòng tôn trọng
với người nghèo. Sự tuyên dương các giá trị trần tục chưa bao giờ biến
mất hẳn trong kỷ nguyên Kitô giáo - vẫn còn nhiều cung điện để cảnh
báo thế giới về sức quyến rũ của bán buôn hay điền sản và quyền lực -
nhưng có một thời, ở nhiều cộng đồng, những tòa nhà nguy nga nhất
phía chân trời là nơi vinh danh tính cao quý của sự nghèo khó thay vì
uy thế của một gia đình hoặc đoàn thể vương giả, và những khúc nhạc