cho một đốc công nhà máy hay quản lý văn phòng - một dấu hiệu cho
thấy tâm hồn bohemian không bị quấy nhiễu bởi những mối quan tâm
nông cạn, vị lợi thường ám ảnh giới trưởng giả thị dân.
Với một người bohemian, cảnh cơ cực như vậy còn tốt hơn rất
nhiều so với nỗi khiếp hoảng của chuyện hoài phí cuộc đời cho một
công việc anh ta khinh miệt. Charles Baudelaire tuyên bố rằng tất cả
nghề nghiệp đều hủy diệt tâm hồn, chỉ trừ làm thơ và - thậm chí ít hợp
lý hơn - làm một “chiến binh”. Khi Marcel Duchamp ghé thăm New
York năm 1915, ông mô tả Greenwich Village là “bohemian đúng
nghĩa” vì nơi này “đầy những người chả làm gì cả”. Nửa thế kỷ sau,
Jack Kerouac, khi nói với khán giả ở một bar chơi dương cầm ở Bờ
Tây, xỉ vả “những người làm công ăn lương với áo cài kín cổ phải đón
chuyến tàu lúc 5 giờ 48 phút sáng ở Millbrae hay San Carlos để đi làm
ở San Francisco,'' và tung hô những người mang tinh thần tự do,
không nghề ngỗng, nhà thơ, đám lang thang, đám họa sĩ thức khuya và
đốt quần áo đi làm để trở thành “con trai của đường phố và nhìn
những đoàn tàu chở hàng đi qua, nhìn vào sự bao la của bầu trời và
cảm thấy gánh nặng của nước Mỹ tổ tiên.”
Tuy người bohemian không lập luận là có mối xung khắc về lý
thuyết giữa việc có một đời sống tinh thần phong phú và việc sở hữu
một hãng luật hay nhà máy ăn nên làm ra, nhưng hầu hết đều hàm ý
rằng có thể có một mối xung đột thực tế. Trong lời phi lộ cho On Love
(Về tình yêu) (1822), Stendhal giải thích rằng mặc dù ông đã cố viết
rõ ràng và hướng đến đông đảo độc giả, ông vẫn không thể đem đến
“sự lắng nghe cho người điếc hay tầm nhìn cho người mù”. “Vì thế
những người chạy theo tiền bạc và vật chất, làm ra 100.000 phrăng
mỗi năm, tốt hơn nên gập lại thật nhanh trước khi họ mở quyển sách
này, nhất là những chủ ngân hàng, chủ xưởng sản xuất, hoặc những
nhà công nghiệp đáng trọng... Cuộc đời mẫn cán, siêng năng, rõ ràng
đáng trọng và tích cực của một ủy viên hội đồng cơ mật hoàng gia
Anh, chủ xưởng dệt hay chủ ngân hàng tài giỏi gặt hái được phần