hạn của bất cứ ai để đạt được bất cứ thứ gì. Trong phần lớn lịch sử,
điều giả định ngược lại mới là lý tưởng thống trị, bất bình đẳng và
những kỳ vọng thấp được xem là bình thường và khôn ngoan. Rất ít
người trong đám quần chúng từng tơ tưởng tới giàu sang hay sự đủ
đầy; số còn lại biết rõ rằng họ sinh ra để bị bóc lột và cam chịu.
“Rõ ràng một số người sinh ra đã là tự do, một số khác sinh ra đã
là nô lệ, và với những người ở nhóm thứ hai, chế độ nô lệ vừa thích
hợp vừa xác đáng,” Aristotle tuyên bố trong tác phẩm Politics (Chính
trị luận) (năm 350 TCN) của mình, đưa ra một quan điểm được chia sẻ
bởi hầu như tất cả các nhà tư tưởng, nhà lãnh đạo Hy Lạp và La Mã.
Trong thế giới cổ đại, nô lệ và thành viên thuộc tầng lớp lao động nói
chung không được coi là con người thực thụ mà chỉ là một loài sinh
vật, thiếu lý trí và vì vậy hoàn toàn thích hợp với một đời sống nô lệ,
cũng như thân trâu ngựa thích hợp với những thửa đất cần được cày
bừa. Quan niệm cho rằng họ có các quyền và khát vọng của riêng
mình, đối với giới tinh hoa cũng ngớ ngẩn chẳng kém, nói giả dụ, việc
biểu thị mối quan tâm đến tiến trình tư duy hay thang bậc hạnh phúc
của một con bò hay một con lừa.
Niềm tin rằng sự bất bình đẳng là công bằng, hay ít nhất là không
thể tránh khỏi, cũng được chính những người bị áp bức tán thành.
Cùng với việc truyền bá Kitô giáo thời cuối Đế chế La Mã, nhiều
người trở thành con mồi cho một tôn giáo dạy họ chấp nhận việc đối
xử bất bình đẳng như một phần của trật tự tự nhiên không thể đổi dời.
Mặc dù những lời dạy của Đức Kitô đều gắn với các nguyên lý về
quân bình, các lý thuyết gia chính trị của Kitô giáo vẫn không mấy
đồng tình rằng cấu trúc xã hội thế tục có thể, hoặc nên được cải cách
để tất cả thành viên của nhà thờ có thể nhận phần của cải đất đai công
bằng hơn. Con người có thể bình đẳng trước Chúa, nhưng điều đó
không đưa ra bất kỳ lý do nào để bắt đầu tìm kiếm sự bình đẳng trong
thực tiễn.