dõi và tước hiệu của gia đình anh ta hoặc cô ta, sang một nền kinh tế
năng động trong đó địa vị được tưởng thưởng tỉ lệ thuận với các thành
tựu (phần lớn là về tài chính) của từng thế hệ mới.
Đến năm 1791, nhà địa lý Jedidiah Morse đã có thể mô tả “nước
Anh mới” như một nơi “bất cứ ai đều nghĩ anh ta ít nhất cũng tốt như
những người hàng xóm của mình, và tin rằng toàn thể nhân loại có,
hoặc buộc phải có, các quyền bình đẳng”. Ngay cả phép xã giao cũng
được dân chủ hóa. Gia nhân (mặc dù không phải nô lệ) không còn
phải gọi chủ là “chủ nhân” hay “nữ chủ nhân”, và ở Charleston, South
Carolina, hội đồng thành phố đã cấm dùng các tôn xưng “Ngài” (Esq.)
và “Đức ông” (His Honour). Tất cả các bang của Mỹ đều làm luật
chống lại chế độ trưởng nam thừa kế và trao quyền sở hữu tài sản bình
đẳng cho con gái và quả phụ. Nhà vật lý kiêm sử gia David Ramsay,
trong “Diễn văn về những lợi thế của nền độc lập Mỹ” đọc ngày
4/7/1778, đề xuất rằng mục tiêu của Cách mạng vốn là thiết lập một xã
hội mà trong đó “tất cả văn phòng đều mở cửa cho những người có
năng lực bất kể tầng lớp hay hoàn cảnh. Thậm chí những chức trách
quan trọng của nhà nước cũng có thể được con trai của người nghèo
nhất nắm giữ, nếu anh ta có những năng lực tương xứng với chức vị
quan trọng này”. Trong tự truyện của mình, Thomas Jefferson thú
nhận rằng những nỗ lực của chính ông được hướng đến việc tạo ra “cơ
hội cho một chế độ quý tộc của phẩm hạnh và tài năng” nhằm thay thế
văn hóa của đặc quyền và, trong nhiều trường hợp, sự ngu dốt cục súc
trước đây.
Nhiều thập niên sau, trong tập thơ Lá cỏ (1855), Walt Whitman
sẽ xác định sự vĩ đại của nước Mỹ, đặc biệt là với tính bình đẳng và sự
thiếu tôn kính một cách hồn nhiên của toàn thể công dân: “Cái thiên
tài của nước Mỹ không phải ưu tú nhất, cũng không chủ yếu nằm
trong số những nhà hành pháp hoặc lập pháp, cũng không ở các đại sứ
hay tác giả hay trong trường đại học hay nhà thờ hay cửa hiệu, hay
thậm chí ở các nhật báo hay các nhà phát minh... mà luôn nằm ở người