đối. Nó có liên hệ với ham muốn. Mỗi khi chúng ta mong mỏi thứ gì
đó ta không thể có được, ấy là khi ta trở nên nghèo hơn, bất kể tài
nguyên của chúng ta là những gì. Và mỗi khi ta cảm thấy thỏa mãn với
những gì mình có, ta có thể được xem là giàu có, bất kể những thứ ta
có trong tay ít ỏi ra sao.
Có hai cách để khiến một người giàu hơn, Rousseau lập luận: cho
anh ta thêm tiền hoặc kiềm chế những ham muốn của anh ta. Các xã
hội hiện đại đã thực hiện cách đầu tiên đặc biệt tốt, nhưng bằng việc
không ngừng khuấy động những ham muốn, chúng cũng đồng thời tìm
cách vô hiệu hóa một phần thành quả của mình. Với cá nhân, việc cố
gắng kiếm thêm tiền có thể không phải cách hiệu quả nhất để cảm thấy
giàu có. Thay vào đó, chúng ta có thể làm tốt hơn bằng cách tách
mình, cả trong thực tiễn lẫn cảm xúc, khỏi những người ta xem là
ngang bằng nhưng lại trở nên giàu có hơn ta. Thay vì chật vật để trở
thành con cá lớn hơn, ta có thể tập trung năng lượng để đi tìm cái ao
nhỏ hơn, các sinh vật nhỏ hơn để bơi cùng, như thế ta sẽ đỡ băn khoăn
về kích cỡ của bản thân hơn.
Một khi các xã hội tiên tiến tạo cho các thành viên thu nhập ngày
một tăng, có vẻ như chúng làm cho ta giàu có hơn. Nhưng thực tế, kết
quả chung cuộc của chúng có khi lại làm ta nghèo đi, bởi vì bằng cách
nung nấu những kỳ vọng vô biên, chúng tạo những hố ngăn cách
muôn thuở giữa những gì ta muốn và những gì ta có thể có, giữa con
người ta-có-thể-là và con người ta-thực-sự-là. Những mối chênh lệch
như thế có thể khiến chúng ta cảm thấy túng quẫn hơn cả những người
man rợ nguyên thủy, những người, Rousseau khẳng định (đến đây lý
lẽ của ông chạm tới các giới hạn của tính có-vẻ-đáng-tin), cảm thấy
rằng họ chẳng thiếu thứ gì trên đời miễn là có mái nhà che nắng mưa,
vài quả táo và hạt dẻ để ăn cùng thời giờ nhàn rỗi buổi tối dành để
chơi “một thứ nhạc cụ thô thiển nào đó” hay “dùng mấy cái rìu đá để
đẽo một xuồng đánh cá”.