Những câu hỏi kinh điển kiểu như “Con đã đi đâu?... “Con đã đi ra ngoài
à?”... “Con đã làm gì?”... thường nhận được câu trả lời là “không đi đâu cả”,
“không làm gì cả”. “Không gì cả” chẳng phải là không có xuất xứ từ đâu hết –
chẳng phải vô cớ mà trẻ trả lời như vậy. Trẻ còn thường dùng những chiến thuật
phòng thủ khác để tự vệ trước những câu hỏi mà chúng không muốn hoặc
không sẵn lòng trả lời, đó là “Không biết” hoặc “Để cho con yên”.
Một bà mẹ kể cho chúng tôi nghe rằng bà cảm thấy mình không phải là bà
mẹ tốt nếu bà không hỏi han con. Bà kinh ngạc khi khám phá ra rằng lúc mình
ngưng dội bom con bằng những câu hỏi và chăm chú lắng nghe khi nó nói thì
nó bắt đầu mở lòng ra với bà.
Điều này có nghĩa là đừng bao giờ hỏi con cái gì? Không phải thế. Điều
quan trọng là bạn cần có óc phán đoán về những tác động của câu hỏi mà bạn
nêu ra cho con.
Lưu ý:
Một câu hỏi cha mẹ nêu ra thường hay bị con cái cảm nhận như áp
lực đó là: “Hôm nay con có vui không?” Thật là một đòi hỏi lớn lao đối với một
đứa trẻ! Không chỉ nó cần phải đi dự tiệc (đi học, đi chơi, đi cắm trại, đi khiêu
vũ) mà nó còn được mong chờ là phải vui vẻ thoải mái! Nếu nó không vui thì sự
thất vọng của nó sẽ bị cộng thêm với sự thất vọng của cha mẹ. Nó cảm thấy
mình làm cha mẹ buồn bởi vì mình đã không được vui vẻ.
IV. Đừng vội trả lời ngay những câu hỏi của con.
Trong quá trình lớn lên của trẻ, chúng hỏi hàng đống những câu hỏi hóc
búa:
“Tại sao có cầu vồng?”
“Tại sao em bé không thể trở về lại nơi mà từ đó nó tới đây?”
“Tại sao người ta không thể làm bất kỳ điều gì người ta muốn?”