sự trợ giúp khi ta cần.
Ngoài lợi ích không chối cãi đối với trẻ, nguyên lý này cũng giảm nhẹ cho
cha mẹ đỡ khỏi phải là những người “gánh vác nhọc nhằn” mọi lúc mọi nơi. Cô
y tá trong trường có thể thảo luận những thói quen ăn uống tốt với đứa trẻ thừa
cân; người bán giày có thể giải thích việc sử dụng giày thể thao thường xuyên
sẽ có ích gì cho đôi bàn chân; cô thủ thư có thể giúp trẻ vật lộn với một trang
sách nghiên cứu khó gặm; nha sĩ có thể giải thích những gì xảy ra với răng
không được chải. Về mặt nào đó, tiếng nói của tất cả những nguồn bên ngoài có
sức nặng hơn là những lời nói từ Cha hoặc Mẹ.
VI. Đừng dập tắt hy vọng của con.
Nhiều niềm vui của cuộc sống nằm ở trong giấc mơ, trong những mộng
tưởng, dự đoán, kế hoạch. Dọn đường cho trẻ chịu những thất vọng có thể xảy
ra, chúng ta đã tước đoạt của trẻ những kinh nghiệm quan trọng.
Một người cha kể cho chúng tôi về cô con gái 9 tuổi nảy sinh niềm đam mê
ngựa. Một ngày nọ cô bé đòi cha mua cho cô bé một con ngựa. Người cha kể,
ông phải cố gắng lắm mới không bảo với con rằng việc đó là vô phương, do bởi
vấn đề tiền bạc và vấn đề không gian là một chuyện, ngoài ra còn do những quy
định của thành phố nữa. Thay vào đó ông bảo: “Vậy là con muốn một con ngựa
của riêng mình. Nói cho ba nghe đi.” Sau đó ông lắng nghe khi cô bé kể chi tiết
dông dài về việc cô bé cảm thấy như thế nào về ngựa – nào là cho nó ăn, chải
lông cho nó, nào là cưỡi ngựa hàng ngày. Chỉ cần nói về ước mơ của mình với
cha cũng là đủ với cô bé. Sau lần trò chuyện đó, cô bé không bao giờ đòi cha
mua ngựa cho mình nữa. Thay vì thế, cô bé đến thư viện chọn nhiều sách về
ngựa để đọc, cô bé vẽ ngựa và bắt đầu để dành tiền tiêu vặt để mua đất nuôi
ngựa vào một ngày nào đó. Vài năm sau cô bé xin vào làm phụ việc ở một trại
ngựa, ở đó, đổi lại cô bé được thỉnh thoảng cưỡi ngựa. Đến khi cô bé 14 tuổi,
niềm đam mê về ngựa của cô bé cũng hết. Một ngày kia, cô tuyên bố sắp sửa
mua một chiếc xe bằng “tiền mua ngựa”.