Những cách khác nhằm khuyến khích sự tự chủ ở trẻ
I. Để trẻ tự làm chủ cơ thể của chúng.
Hạn chế liên tục gạt tóc ra khỏi mắt trẻ, sửa, vuốt vai áo, phủi bụi cổ tay áo,
nhét áo vào váy, sửa lại cổ áo cho trẻ. Trẻ có thể trải nghiệm những kiểu chăm
sóc quá mức như thế là sự xâm phạm đến cơ thể riêng tư của chúng.
II. Tránh xa những chi tiết vụn vặt trong cuộc sống
của trẻ.
Có đứa trẻ rất cảm kích khi nghe “Sao con viết mà dí mũi vào giấy vậy?...
Ngồi thẳng lưng lên khi làm bài tập về nhà... Vén tóc lên cho khỏi sùm sụp vào
mắt. Không thì làm sao con thấy mình đang làm gì?... Cài nút cổ tay lại. Để mở
ra trông lùm xùm quá... Cái áo lạnh đó cũ quá rồi, phải bỏ đi thôi. Mua áo mới
mà mặc... Con dùng tiền tiêu vặt của mình vào thứ đó đấy hả? Hừ, mẹ nghĩ đó
là sự phung phí tiền bạc.”
Nhưng nhiều trẻ lại phản ứng với những kiểu nhắc nhở như thế với vẻ khó
chịu. “Mẹ!” hoặc “Ối, ba!” được dịch ra có nghĩa là: “Thôi đừng làm phiền con
nữa. Đừng làm con phát cáu. Tránh xa con ra. Đó là việc của con.”
III. Đừng nói về trẻ trước mặt nó – cho dù nó còn nhỏ tuổi thế nào chăng nữa.
Hãy hình dung bạn đứng cạnh mẹ của bạn khi bà nói với hàng xóm bất kỳ
câu nào trong những câu sau đây:
“Ừm, hồi lớp một nó đã phải khổ sở vì khả năng đọc của nó, nhưng bây giờ
thì nó ổn rồi.”
“Con bé yêu thích mọi người. Tất cả mọi người đều là bạn của nó.”
“Đừng để ý tới nó. Tính nó hơi nhút nhát.”
Khi trẻ nghe mình bị bàn luận theo cách này, chúng thường nghĩ mình như
một món đồ – một vật sở hữu – của cha mẹ.