C. Mô tả vấn đề:
TRẺ: Mẹ, mẹ lái xe đưa con tới thư viện bây giờ được không?
Thay vì nói, “Không được, con phải đợi.”
Hãy mô tả vấn đề:
“Mẹ muốn chở con đi lắm. Vấn đề là chú thợ điện sẽ tới trong vòng nửa giờ
nữa.”
D. Khi có thể nói “Được” thay thế cho “Không”:
TRẺ: Mẹ, chúng ta ra sân chơi đi?
Thay vì nói, “Không, con chưa ăn trưa mà.”
Có thể thay thế bằng “Được”:
“Được, tất nhiên. Ngay sau bữa trưa.”
E. Tự cho mình thời gian suy nghĩ:
TRẺ: Con tới nhà Gary ngủ được không mẹ?
Thay vì nói, “Không, tuần trước con đã ngủ ở nhà bạn ấy rồi.”
Hãy cho mình thời gian suy nghĩ:
“Để mẹ nghĩ đã.”
Câu nói ngắn gọn này thực hiện được hai tác dụng: Làm dịu bớt sự nôn
nóng của trẻ (ít ra nó biết yêu cầu của nó sẽ được xem xét nghiêm túc) và cho
cha mẹ thời gian suy nghĩ kỹ lưỡng.
Quả thật là lời nói “Không” rất ngắn gọn, và những giải pháp thay thế nó kể
trên xem ra đều dài hơn. Nhưng khi bạn cân nhắc đến hậu quả lẽ thường của
“Không” thì sẽ thấy: đường dài hóa ra lại là đường ngắn.