ông bố kể cho chúng tôi nghe chuyện: Vào một ngày trời lạnh ông đang đứng ở
gần cửa trước và bảo với thằng con vừa đi vào nhà “Cửa mở kìa”, nhưng thằng
bé liền đốp luôn “Thế sao ba không đóng nó lại?”
Cả nhóm hội thảo nhất trí giải thích rằng thằng bé đã cảm nhận câu nói mô
tả của bố theo nghĩa “Ba cố ngụ ý muốn dạy con cư xử đúng đắn”. Rồi cả nhóm
cũng quyết định kỹ năng mô tả chỉ có tác dụng nhất khi trẻ cảm thấy sự giúp đỡ
của chúng là thật sự cần thiết.
II. Cung cấp thông tin.
Điều chúng tôi muốn nói về kỹ năng cung cấp thông tin là, về mặt nào đó
bạn đang trao cho con cái một món quà mà nó có thể sử dụng được mãi mãi về
sau. Trong suốt cuộc đời của con bạn, nó sẽ cần biết rằng “Sữa sẽ bị chua khi để
ngoài tủ lạnh”, rằng “Cần phải làm cho sạch vết thương hở”, rằng “Cần phải rửa
sạch trái cây trước khi ăn”, rằng “Bánh quy nhân sẽ bị thiu khi để hộp mở” và
v.v... Nhiều phụ huynh đã chia sẻ với chúng tôi rằng kỹ năng cung cấp thông
tin này không khó. Cái khó là, họ nói, làm sao bỏ đi được cái đuôi lăng mạ kiểu
như: “Đồ dơ phải để vào rổ chuẩn bị giặt. Con không bao giờ học được điều đó
sao?”
Chúng ta cũng thích cung cấp thông tin cho con cái bởi vì xem ra đứa trẻ
đón nhận thông tin đó giống như một động thái tự tin vào bản thân nó. Có thể
trẻ sẽ tự nhủ “Người lớn tin tưởng mình biết hành xử có trách nhiệm một khi
mình nắm được những sự kiện.”
* * *
Monique về nhà sau khi tham dự buổi tiệc làm bánh hạnh nhân. Nó vẫn còn
mặc nguyên đồng phục và bắt đầu chơi trong vườn. Ba bốn bận tôi phải la thét
con bé hãy thay đồ bộ đi, nhưng nó đều đáp lại “Tại sao?”
Tôi liên tục nhắc nhở: “Con sẽ làm rách bộ đồng phục bây giờ.”