Bây giờ con có thể làm chủ chính mình rồi đấy. Yêu con, Mẹ.” Emily đã vô
cùng ngạc nhiên và vui sướng: “Sao mẹ biết là con không thích bị người khác
đánh thức?” Mẹ cô bé cười và nói: “Mẹ đã nhận ra điều đó.” Sáng hôm sau
khi chuông báo thức kêu, mẹ nói với Emily: “Vẫn còn quá sớm mà con yêu.
Sao con không ngủ thêm vài phút nữa?” Emily nhảy ra khỏi giường và nói:
“Không, con sẽ muộn học mất.”
Đừng cho rằng một đứa trẻ không thể thức dậy dễ dàng buổi sáng là lười
biếng; không nên gán mác cục cằn khó ưa hay chê cười một đứa trẻ không thể
tỉnh táo và vui vẻ ngay sau khi tỉnh giấc. Thay vì kéo trẻ vào một cuộc chiến,
tốt nhất nên để chúng tận hưởng nốt mười phút ngủ nướng vàng bạc hay hoàn
thành nốt giấc mơ còn đang dang dở của mình. Điều này hoàn toàn có thể
được thực hiện bằng cách đặt chuông báo thức sớm hơn một chút. Lời nói của
chúng ta nên thể hiện sự cảm thông và chia sẻ:
“Thức dậy vào buổi sáng thật là khó.”
“Thật thoải mái khi nằm trên giường và mơ mộng.”
“Con hãy tranh thủ thêm năm phút nữa.”
Những câu nói như vậy sẽ khiến cho buổi sáng trở nên vui vẻ, tạo bầu không
khí ấm áp và thân mật. Ngược lại, những lời nói giận dữ và khinh miệt sẽ
mang đến sự lạnh lùng và bão tố:
“Dậy mau đi, con đúng là đồ lười biếng!”
“Con phải ra khỏi giường ngay lập tức.”
“Trời đất, con đúng là lười như hủi!”
Chúng ta cũng không nên tỏ ra lo lắng quá mức tới sức khỏe của trẻ: “Sao con
vẫn ở trên giường thế? Con ốm à? Có đau chỗ nào không? Con có bị đau
bụng, đau đầu không? Để mẹ xem lưỡi của con nào.” Tất cả những điều này
sẽ khiến trẻ cho rằng cách để nhận được quan tâm chăm sóc dịu dàng là bị
ốm. Trẻ cũng có thể nghĩ rằng mẹ sẽ thất vọng nếu chúng không mắc phải căn
bệnh nào vừa được mẹ kể ra. Chúng có thể sẽ buộc phải giả vờ bị ốm.
Sự khắt khe của thời gian biểu: Giờ cao điểm
125