“Con có vẻ rất vui khi được về nhà.”
Trong hầu hết các tình huống, những sự khẳng định bao giờ cũng tốt hơn là
những câu hỏi.
Với lượng lớn các gia đình có cha hoặc mẹ đơn thân và các bà mẹ đi làm như
hiện nay, rất nhiều trẻ em không còn được chào đón khi đi học về nữa. Tuy
nhiên, việc để lại một lời nhắn hay một bức thư điện tử ngọt ngào sẽ có thể bù
đắp lại sự vắng mặt đó. Một số bậc cha mẹ có con ở tuổi đi học đã dùng công
cụ thư và lời nhắn để làm sâu đậm thêm tình cảm với con cái. Đối với họ, thể
hiện tình yêu và sự trân trọng bằng cách viết ra có vẻ dễ dàng hơn. Nhiều cha
mẹ còn để lại lời nhắn trên băng ghi âm, thậm chí là ghi hình. Nhờ vậy, trẻ có
thể nghe lại tiếng của họ nhiều lần. Phương pháp này khuyến khích những
giao tiếp có ý nghĩa giữa cha mẹ và con cái, đồng thời giảm bớt sự cô đơn của
trẻ khi phải trở về ngôi nhà trống không.
Đi làm về: Gắn kết mỗi ngày
Khi trở về nhà vào buổi tối sau một ngày làm việc, cha mẹ cần một khoảng
thời gian yên tĩnh để có thể chuyển tiếp từ những nhu cầu của thế giới bên
ngoài sang nhu cầu của gia đình. Không có ông bố, bà mẹ nào xứng đáng phải
chịu đựng những lời kêu ca, phàn nàn, đòi hỏi hay trách cứ của con cái ngay
khi vừa mở cửa bước vào nhà. Một khoảng thời gian “không chất vấn” sẽ tạo
ra một ốc đảo bình yên, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình. Từ
nhỏ, trẻ phải học được rằng cha mẹ cần một chút thời gian yên tĩnh và thoải
mái sau khi đi làm về để giải tỏa mệt mỏi. Sau đó, bữa tối sẽ là thời gian để
trò chuyện. Với đồ ăn, căng thẳng nên được bỏ bớt và suy nghĩ nên được nêm
vào. Trong khi ăn, không nên có sự xuất hiện của những nhận xét về việc trẻ
ăn gì và như thế nào, những hành động thực thi kỷ luật cũng như rất nhiều
những cuộc hội thoại nhàm chán cũ rích khác.
Một số cha mẹ còn thay nhau đưa từng đứa trẻ trong gia đình đi ăn tại nhà
hàng mà chúng chọn để tạo ra một khoảng thời gian riêng tư cho cả hai.
Trong khi ăn uống, trẻ sẽ có được sự chú ý tuyệt đối của bố mẹ và có thể thoải
mái chia sẻ những vấn đề của mình.
131