thuộm thế nào, bẩn thỉu ra sao, còn chúng ta thì mệt mỏi đến mức nào khi
phải giặt là quần áo cho chúng. Đặt sự sạch sẽ lên trước sự vui đùa thoải mái
là một yêu cầu không thực tế và vượt quá khả năng của trẻ. Chúng ta cần phải
chấp nhận rằng trẻ con không thể giữ sạch quần áo chúng mặc được lâu. Cả tá
đồ vừa tiền, có thể giặt rồi mặc ngay mà không nhàu nát sẽ có ích cho sức
khỏe tinh thần của trẻ nhiều hơn là những lời quở trách về sự sạch sẽ.
Đi học: Giúp đỡ chứ đừng dạy đạo lý
Cha mẹ đừng nên bất ngờ khi trẻ có thể quên không mang sách, kính, hộp
cơm hay tiền ăn trưa trong lúc vội vã buổi sáng. Hãy đưa những thứ đó cho
chúng mà không kèm theo bất cứ bài diễn thuyết nào về sự đãng trí hay thiếu
trách nhiệm.
“Kính của con đây” sẽ là cách phản ứng hiệu quả hơn so với “Mẹ muốn sống
tới ngày nhìn thấy con nhớ được kính của mình.” Câu nói “Tiền ăn trưa của
con đây” sẽ được trẻ trân trọng hơn là câu hỏi mỉa mai: “Con sẽ mua cơm trưa
bằng cái gì?”
Không nên đưa ra cho trẻ một danh sách dài những nhắc nhở và cảnh báo
trước khi chúng đến trường. “Chúc một ngày vui vẻ” là lời tạm biệt hữu ích
hơn nhiều so với một cảnh báo chung chung: “Đừng gây rắc rối đấy nhé.”
“Mẹ sẽ đón con lúc hai giờ” sẽ mang tính xây dựng hơn là “Đừng có mà đi
lang thang trên đường sau khi tan học đấy.”
Đi học về: Sự chào đón ấm áp
Cha mẹ hoặc một người lớn khác trong gia đình nên có mặt ở nhà để chào
đón trẻ khi đi học về. Thay vì những cuộc hội thoại nhàm chán như – “Hôm
nay ở lớp thế nào?” – “Ổn cả ạ!” hoặc “Hôm nay con làm những gì?” –
“Chẳng có gì đâu ạ!”, cha mẹ có thể đưa ra những lời nhận xét thể hiện sự
cảm thông và chia sẻ của mình trước những rắc rối, khó khăn cũng như sự nỗ
lực của trẻ ở trường:
“Xem chừng con đã có một ngày tồi tệ.”
“Mẹ cá là hôm nay con không thể kiên nhẫn đợi cho tới khi tan học.”
130