Suy luận của trẻ: Mình thật sáng tạo.
(Lời khen không hữu ích: Với trình độ như của con thì con đã viết rất khá đấy.
Đương nhiên là con còn phải học hỏi rất nhiều nữa.)
Mỗi lời khen mang tính mô tả và mỗi kết luận tích cực mà trẻ rút ra từ đó
chính là một viên gạch hồng tạo nên sức khỏe tinh thần lành mạnh. Những gì
trẻ suy luận về bản thân từ lời nói của cha mẹ sẽ được chúng âm thầm nhắc đi
nhắc lại với chính mình. Theo đó, những lời nói tích cực và chân thành được
trẻ tự lặp lại sẽ quyết định phần lớn quan điểm tích cực của chúng về bản thân
và về thế giới xung quanh.
Hãy hướng dẫn, đừng chỉ trích con
Chỉ trích và khen ngợi chính là hai mặt của cùng một đồng xu. Cả hai đều đầy
tính phán xét. Để tránh rơi vào vị thế người phán xét, các nhà tâm lý học
không sử dụng những lời phê bình để tác động đến trẻ. Họ dùng đến những
lời hướng dẫn. Trong khi chỉ trích, cha mẹ tấn công vào đặc điểm tính cách và
phẩm chất của con cái. Còn khi hướng dẫn, chúng ta nêu ra vấn đề và những
giải pháp có thể được sử dụng. Chúng ta không nói gì liên quan đến bản thân
đứa trẻ.
Khi Mary, 8 tuổi, vô tình làm đổ nước quả, mẹ cô bé đã nói một cách rất bình
tĩnh: “Mẹ thấy nước quả bị đổ rồi. Phải lấy một cốc khác thôi, và một cái giẻ
lau nữa.” Cô đứng dậy và đưa cốc nước quả khác cùng với cái giẻ lau cho con
gái. Mary nhìn mẹ đầy ngạc nhiên, câu nói của mẹ khiến cô bé cảm thấy như
vừa trút được một gánh nặng. Cô bé nói khẽ: “Ôi, cảm ơn mẹ.” Mary lau sạch
bàn với sự giúp đỡ của mẹ. Mẹ cô bé đã không hề thêm vào một lời phê bình
gay gắt hay nhắc nhở vô dụng nào nữa. Cô kể lại: “Tôi đã định nói: ‘Lần sau
con hãy cẩn thận hơn,’ nhưng khi nhìn thấy vẻ biết ơn của con bé trước sự im
lặng đầy độ lượng của mình, tôi đã không nói gì cả.”
Thời điểm những sự cố hay sai lầm xảy ra không phải là lúc thích hợp để dạy
cho người phạm lỗi về nhân cách của anh ta. Tốt nhất là chỉ nên đối mặt với
sự việc chứ không phải với con người.
Hãy tưởng tượng bạn đang lái xe cùng người yêu và anh ta rẽ nhầm đường.
39