làm theo những hiểu biết thông thường mà tôi có được.” Chắc hẳn chúng ta sẽ
phát hoảng mà chạy cho nhanh để bảo toàn mạng sống. Thế nhưng, những
đứa trẻ không dễ dàng bỏ chạy như vậy khi cha mẹ chúng tin rằng chỉ cần
tình yêu và những hiểu biết thông thường là đủ. Giống như bác sĩ, cha mẹ
cũng cần học những kỹ năng đặc biệt hơn trong việc đáp ứng các nhu cầu
hàng ngày của con cái mình. Giống như một bác sĩ phẫu thuật có chuyên môn
phải rất cẩn trọng với dao mổ trên tay, các bậc cha mẹ cũng cần rèn luyện kỹ
năng sử dụng ngôn từ. Bởi lời nói cũng giống như lưỡi dao, chúng có thể gây
ra những vết thương rất đau đớn, không phải về thể chất mà về tinh thần.
Vậy chúng ta phải bắt đầu từ đâu nếu muốn cải thiện cách giao tiếp với con
cái? Chỉ bằng cách đơn giản là xem lại chính cách hành xử của mình. Thực ra
là chúng ta đã biết phải làm gì. Chúng ta đã nghe cha mẹ mình giao tiếp với
khách khứa hay những người chưa quen biết. Đó là thứ ngôn ngữ không khiến
người đối diện cảm thấy khó chịu và không mang tính phê phán.
Chúng ta sẽ nói gì với một vị khách nếu người đó để quên ô lúc ra về? Chúng
ta có chạy theo và nói: “Cô bị làm sao thế? Lần nào đến chơi nhà tôi cô cũng
phải để quên một cái gì đó. Không phải cái này thì cũng là cái khác. Sao cô
không thể giống như em gái của cô được nhỉ? Khi đến chơi cô ấy luôn biết
phải cư xử ra sao. Cô đã 44 tuổi đầu rồi đấy! Cô không bao giờ rút kinh
nghiệm được à? Tôi không phải người hầu để lúc nào cũng chạy theo cô đâu
nhé! Tôi cá là cô sẽ để quên luôn cả đầu mình nếu nó không được gắn ngay
trên cổ!” Đó không phải là những lời chúng ta sẽ dùng để nói với một vị
khách. Chúng ta sẽ chỉ nhẹ nhàng rằng: “Alice, ô của chị này!” và tuyệt đối
không chêm vào: “Sao mà đãng trí thế không biết.”
Cha mẹ cần học cách cư xử với con cái mình giống như với khách đến chơi
nhà.
Cha mẹ nào cũng muốn con cái mình được an toàn và hạnh phúc. Không ai cố
tình làm cho một đứa trẻ cảm thấy sợ hãi, xấu hổ, khó chịu hay lạc lõng. Thế
nhưng trong quá trình trưởng thành, nhiều đứa trẻ dần có những tính cách
không mong muốn, không có được cảm giác an toàn và thái độ tôn trọng
chính mình hay với những người xung quanh. Cha mẹ muốn con cái là người