Chương 1. Nguyên tắc giao tiếp
Đối thoại giữa cha mẹ và con cái
Ý nghĩa đằng sau những câu hỏi của trẻ
Giao tiếp với con trẻ là một nghệ thuật độc đáo với những nguyên tắc và ý
nghĩa riêng. Trẻ em hiếm khi nói với chúng ta những lời vô nghĩa. Trong lời
nói của chúng luôn có những thông điệp cần được giải mã.
Cậu bé Andy, 10 tuổi, đã hỏi bố mình: “Có bao nhiêu đứa trẻ bị bỏ rơi ở
Harlem hả bố?” Bố cậu bé là một luật sư và ông đã rất vui mừng khi thấy cậu
con trai của mình tỏ ra hứng thú với các vấn đề xã hội. Ông đã giảng giải rất
nhiều cho cậu bé, tìm kiếm cả con số thống kê chính xác. Nhưng Andy vẫn
không thỏa mãn và tiếp tục hỏi những câu tương tự: “Có bao nhiêu đứa trẻ bị
bỏ rơi ở New York? Ở Mỹ? Ở Châu Âu? Trên khắp thế giới?”
Cuối cùng, bố của Andy hiểu ra con mình không quan tâm tới vấn đề xã hội
nào mà chỉ là vấn đề cá nhân của cậu bé. Câu hỏi của Andy không phải bắt
nguồn từ sự cảm thông với những đứa trẻ bị bỏ rơi mà từ nỗi sợ hãi rằng
chính mình sẽ lâm vào hoàn cảnh tương tự. Cậu không tìm kiếm con số nào
cả mà đang trông đợi sự khẳng định từ bố rằng cậu sẽ không bị bỏ rơi.
Đáp lại mối quan tâm của Andy, bố cậu trả lời: “Con lo sợ rằng một ngày nào
đó bố mẹ sẽ bỏ rơi con giống như nhiều người khác đã làm phải không? Bố
đảm bảo với con rằng bố mẹ sẽ không bỏ rơi con đâu. Bất cứ khi nào con lại
băn khoăn về điều này thì hãy nói cho bố biết để bố giúp con yên tâm nhé.”
Lần đầu tiên tới lớp mẫu giáo, khi mẹ vẫn còn ở bên cạnh, cô bé Nancy, 5
tuổi, đã nhìn lên những bức tranh treo trên tường và hỏi to: “Ai đã vẽ những
bức tranh xấu xí kia vậy?” Mẹ của Nancy đã tỏ ra rất ngượng ngùng. Cô nhìn
con gái mình với ánh mắt không bằng lòng và vội vã nói: “Này con, thật là
không hay khi gọi đó là những bức tranh xấu xí trong khi chúng rất đẹp.”
Nhưng cô giáo của Nancy đã hiểu ra ý nghĩa sau câu hỏi của cô bé, cô cười và
9