lịch sự nhưng họ lại tỏ ra thô lỗ, muốn chúng gọn gàng ngăn nắp nhưng bản
thân lại rất bừa bãi, muốn chúng tự tin nhưng lại luôn bất an, muốn chúng
hạnh phúc nhưng chính họ lại thường không như vậy.
Cha mẹ có thể giúp mỗi đứa trẻ trở thành một người tốt, có lòng trắc ẩn, ý chí
và lòng dũng cảm, một con người sống bằng sức mạnh nội tâm và niềm tin
vào sự công bằng. Để đạt đến những cái đích nhân bản đó, cha mẹ cũng cần
phải học những phương thức rất nhân bản. Chỉ có tình yêu và sự thấu hiểu
thôi thì chưa đủ, cha mẹ tốt cần phải có kỹ năng. Và phương thức rèn luyện
cũng như sử dụng kỹ năng đó là nội dung chính của cuốn sách này. Nó sẽ
giúp các bậc cha mẹ biến những ý định tốt đẹp của mình thành hành động
hàng ngày.
Hy vọng rằng cuốn sách này sẽ giúp các bậc cha mẹ xác định được mục tiêu
trong việc nuôi dạy con cái và đưa ra phương pháp nhằm đạt được các mục
tiêu đó. Cha mẹ thường phải đối đầu với những vấn đề cụ thể và cần những
giải pháp rõ ràng chứ không phải những lời khuyên sáo rỗng kiểu như: “Hãy
yêu thương con bạn nhiều hơn,” “Hãy quan tâm đến con cái nhiều hơn nữa,”
hay “Hãy dành nhiều thời gian hơn cho con.”
Chúng tôi đã làm việc rất nhiều năm với các bậc cha mẹ, theo cả hình thức
gặp gỡ cá nhân, điều trị tâm lý nhóm lẫn các hội thảo về phương pháp làm
cha mẹ. Cuốn sách này là kết quả của những trải nghiệm đó. Đây là một bản
hướng dẫn mang tính thực hành, nó đưa ra gợi ý và giải pháp ưu việt cho
những tình huống tâm lý thường nhật, đưa ra những lời khuyên cụ thể dựa
trên những nguyên tắc cơ bản trong giao tiếp, để các bậc phụ huynh có thể
chung sống với con cái trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau.
8