công cụ hiệu quả nhất: Âm nhạc mang lại sự đam mê, niềm vui và giải tỏa
căng thẳng.
Cha mẹ và thầy cô giáo không phải lúc nào cũng nhìn nhận giáo dục âm nhạc
theo quan điểm trên, họ tập trung chủ yếu vào kỹ năng lặp lại các giai điệu.
Cách tiếp cận này chắc chắn sẽ tác động đến sự đánh giá và nhận xét về hành
động cũng như tính cách của trẻ. Hậu quả, đáng buồn là thường tương tự như
nhau: Trẻ cố gắng từ bỏ lớp học, tránh mặt thầy cô và chấm dứt “sự nghiệp”
âm nhạc của mình. Trong nhiều gia đình, những cây đàn violon, piano hay
sáo bị bỏ quên vẫn còn được lưu giữ như một lời nhắc nhở đau đớn về những
nỗ lực dang dở và ước muốn không thành.
Vậy cha mẹ có thể làm gì? Công việc của họ là tìm kiếm một người thầy tốt
bụng và ân cần – người hiểu rõ trẻ cũng như hiểu về âm nhạc. Đó là người
nắm giữ chìa khóa cho niềm đam mê âm nhạc không ngừng của trẻ và cũng là
người có thể mở ra hay đóng lại cánh cửa cơ hội. Nhiệm vụ sống còn của
người thầy là chiếm được sự tôn trọng và tin tưởng của trẻ. Nếu thất bại trong
nhiệm vụ đó, họ không thể thành công trong công việc giảng dạy của mình:
Một đứa trẻ sẽ không học được cách yêu âm nhạc từ người thầy mà chúng
ghét. Giai điệu cảm xúc của người thầy luôn có tiếng vang mạnh mẽ hơn nhạc
cụ của họ.
Để những rắc rối hoàn toàn có thể tránh được, thầy cô, cha mẹ và con cái nên
trao đổi và nhất trí một số nguyên tắc cơ bản. Ví dụ như:
Không hủy buổi học mà không báo trước ít nhất một ngày.
Nếu bắt buộc phải hủy buổi học, trẻ chứ không phải cha mẹ sẽ là người duy
nhất phải gọi điện thông báo cho giáo viên.
Thời gian và tiến độ tập luyện có thể linh hoạt theo tình hình thực tế.
Những nguyên tắc này vừa không cổ vũ việc hủy lịch học vào phút cuối do
“tâm trạng” của trẻ đồng thời khuyến khích ý thức độc lập và trách nhiệm của
trẻ. Chúng cũng cho trẻ thấy rằng chúng ta quan tâm đến âm nhạc nhưng
chúng ta còn quan tâm nhiều hơn đến cảm xúc và ý kiến của con.
98