Bí mật chính là những vấn đề ta cố tình đánh lừa người khác. Có cặp đôi
xem những khao khát và cám dỗ tình dục là chuyện riêng tư, nhưng cũng có
những cặp đôi xem đó là điều bí mật. Ở một số nền văn hóa, ngoại tình thường
được xem là vấn đề riêng tư (chí ít là đàn ông xem thế), nhưng ở nền văn hóa
Mỹ, ngoại tình thường là một bí mật.
Người Mỹ thường ít khoan dung với chuyện ngoại tình và càng gay gắt hơn
đối với hành vi che đậy chuyện ngoại tình, xem đó là sự sỉ nhục, thiếu tự trọng
nghiêm trọng. Chính vì vậy mà nhiều người chỉ nói dối với những người “thấp
bé” hơn mình như trẻ con, cử tri, nhân viên cấp dưới,... Thế nên, chúng ta cứ
nghe hoài điệp khúc này: “Vấn đề không phải là em đã ngoại tình mà vấn đề là
em đã nói dối tôi!”.
Nhưng liệu chúng ta có thật sự cảm thấy tốt hơn khi người kia sớm báo cho
ta biết chuyện họ đang vụng trộm không?
Giải nghĩa các bí mật
Cô Amira – người Mỹ gốc Pakistan, sinh viên năm thứ ba ngành Công tác
xã hội – nhớ như in ngày cô bắt đầu vén màn bí mật của cha mình:
– Thời gian ấy, cha đang dạy tôi lái xe. Tôi thấy một món nữ trang bình dân
từ Nhật được mắc ở kính chiếu hậu. Một hôm, tôi tìm cách gỡ nó xuống nhưng
cha ngăn lại, bảo rằng đó là quà do cô thư ký Yumi của ông tặng. Cái tên ấy khiến
tôi lập tức nhớ lại chuyện bảy năm trước, khi cha nhờ tôi tìm hộ một địa chỉ trên
điện thoại của ông, tôi đã tình cờ đọc được một chuỗi tin nhắn tình cảm từ một
người nào đó có tên được lưu là Y. Thế là tôi biết chuyện cha ngoại tình.
Tôi hỏi:
– Cha cô có biết cô đã biết chuyện ông ngoại tình không? Cô lắc đầu.
Tôi hỏi tiếp:
– Cô có định ngày nào đó sẽ nói với cha không?
– Điều tôi thật sự muốn nói với cha là hãy học cách xóa các tin nhắn của
nhân tình. Có lẽ một ngày nào đó tôi sẽ hướng dẫn ông làm việc này. Tôi chỉ ước
ông đã che giấu kỹ các dấu vết ngoại tình. Tôi không thích cảm giác mình đang
đồng lõa với cha lừa dối mẹ tôi.
– Cô đã từng nghĩ đến việc sẽ kể với mẹ chưa?
– Không! – Cô Amira lập tức nói.