“Một tên trộm suy nghĩ tỉ mỉ như vậy, thủ pháp khéo léo như vậy, phong
cách đặc biệt như vậy, lại có khí phách nho nhã đến thế, nếu như không
làm trộm, thì dù làm nghề gì cũng sẽ đạt được thành tựu cho coi!”
Không sai, ông chủ này chính là tên trộm năm đó. Bài viết của Lâm
Thanh Huyền đã lay động ông, thế nên sau khi ra tù, ông đã bỏ “nghề cũ”
và mở một cửa hàng thịt dê.
Thích được khen, ghét bị chê là bản tính của con người. Người miệng
lưỡi ngọt ngào chưa hẳn là người tốt, nhưng người tốt chắc chắn sẽ nói ra
những lời thiện chí. Nói lời hay cũng như chúng ta làm một việc tốt vậy, nó
phải xuất phát từ ý tốt, thật lòng muốn làm đối phương vui vẻ, cảm thấy
được khích lệ, chứ không phải nịnh nọt, hùa theo ý người khác. Nói lời ác
ý thì không cần học cũng biết. Nhưng muốn miệng nói lời hay thì cần rèn
luyện trong thời gian dài. Hãy tập kiềm chế mỗi khi không nhịn được
muốn “nói thẳng nói thật”, mới đầu có thể bạn không quen, nhưng chỉ cần
bạn vững tâm và ý thức được có nói ra cũng không giúp được người khác,
thậm chí còn gây bất lợi cho đối phương, thì dần dần thói quen sẽ được
hình thành. Sau đó bạn có thể thử nói nhiều lời tốt đẹp hơn, thử đổi góc độ
để quan sát và hiểu người khác nhiều hơn. Bạn sẽ phát hiện, nói lời hay
không khó chút nào. Dĩ nhiên, lời hay phải xuất phát từ đáy lòng chứ
không phải nói một đằng nghĩ một nẻo. Chỉ cần bạn đặt mình vào hoàn
cảnh của người khác, biết cho dù là lời phê bình xuất phát từ ý tốt cũng sẽ
gây tổn thương cho người khác, thì tự khắc bạn sẽ biết được thế nào là
“lựa lời khuyên giải”.