Ngày thứ ba, có một người bạn khác đưa 4 món chay cho ngài. Ông Hạ
Miễn Tôn cũng ngồi ăn cùng. Trong đó có một món cực kỳ mặn.
Hạ Miễn Tôn nói: “Cái này mặn quá!”
Ngài lại nói: “Ngon mà! Mặn cũng có mùi vị của mặn!”
Nhà của Hạ Miễn Tôn cũng khá xa nơi đại sư ở. Thế nên sang ngày thứ
tư, đại sư bảo ông sau này không cần đem cơm đến nữa, ngài tự lo được.
Ngài còn cười nói, khất thực là bản sắc của người xuất gia.
“Vậy thì, hôm nào mưa gió tôi sẽ đem cơm đến cho thầy.”
“Không cần đâu! Trời mưa, tôi có guốc mộc mà!” Khi nói đến “guốc
mộc”, vẻ mặt đại sư rạng rỡ như thể đó là một món pháp bảo cực tốt. Ngài
nhận ra ông Hạ có chút bất an, liền nói: “Mỗi ngày đi một đoạn đường
cũng là một cách vận động rất tốt.”
Đối với ngài, mọi thứ trên thế gian đều rất tốt. Dù là quán trọ nhỏ hay
nhà kho chật hẹp, dù là manh chiếu cũ hay khăn len rách rưới, dù là cải
thảo hay củ cải nhạt nhẽo, dù món ăn mặn hay đắng, dù cuốc bộ hay đi xe,
thế nào cũng được cả, bởi mỗi thứ có cái tốt, cái dư vị riêng của nó.
Chắc chẳng mấy ai được như đại sư, ăn củ cải cải trắng mà mặt mày
hân hoan, hưởng thụ tất cả hương vị của món ăn, dẫu nó có thế nào đi nữa.
Theo đại sư, chúng ta không nên có thành kiến hay nhìn nhận theo một
khuôn mẫu nào đó đối với tất cả mọi vật trên đời. Ngài nhìn thẳng vào diện
mạo vốn có của cuộc sống, cảm nhận và hiểu theo đúng sự thật, đây mới là
sự giải thoát, sự hưởng thụ chân chính.
Người từng nếm trải đau khổ, từng chịu cảnh nghèo đói, đại khái sẽ có
những trải nghiệm như vậy. Nước là thứ ngọt nhất với người đang khát,
khoai tây là thứ ngon nhất với người đang đói. Đây không phải ảo giác, mà
vì chúng ta đón nhận chúng với lòng biết ơn. Ngược lại, nếu như không có